Ngày 22/10, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và cán bộ các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực miền Trung.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép.
Ngoài ra, các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi; tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị sử dụng một lần.
Hội nghị nhằm nâng cao ý thức về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí, từ đó nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh đó, tăng cường sự hiểu biết, sự quan tâm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương trong việc tuyên truyền các nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tư, môi trường như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi; Tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; Dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội; Gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị sử dụng một lần.
Đáng lo ngại, mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá điếu của người trưởng thành tại Việt Nam giảm xuống trong 10 năm qua nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ lại tăng lên.
Các chuyên gia cũng đã trình bày một số kinh nghiệm tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại nhiều quốc gia trên thế giới; sự thật về chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá; quan điểm giảm hại đối với thuốc lá điếu bằng thuốc lá nung nóng; những quan ngại của việc tăng thuế thuốc lá.
Hiện Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.