Nỗ lực giải ngân vốn thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Sáng ngày 17/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh để nghe báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tham dự cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Năm 2023, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 416 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và gần 365 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó, vốn sự nghiệp đến nay trung ương chưa phân bổ).
Tuy nhiên, tính đến 30/4/2023, tổng vốn giải ngân toàn tỉnh chỉ đạt hơn 95,5 tỷ đồng. Nhiều địa phương, đơn vị giải ngân rất thấp khiến quá trình triển khai dự án chậm so với kế hoạch. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh và Sở Giáo dục - đào tạo nhận triển khai 9 dự án, nhưng cũng chỉ dừng ở mức thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
Đối với các huyện thụ hưởng, đến nay 100% vốn đầu tư phát triển đã được phân bổ cho các phòng, ban chức năng huyện và UBND các xã. Riêng vốn sự nghiệp mới chỉ có 4/10 huyện đã phân bổ, 6/10 huyện đã xây dựng phương án, dự kiến đến cuối tháng 5/2023 mới có thể hoàn thành 100% phân bổ vốn.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng phương án trình các cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức giải ngân nguồn vốn, tiến độ giải ngân đạt kết quả tốt so với năm 2022.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, kiến nghị đề xuất với Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn việc triển khai 10 dự án, tiểu dự án của chương trình theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đối với nguồn vốn trung ương chưa phân bổ, cơ quan tham mưu cần có văn bản tiếp tục đề nghị các cơ quan trung ương quan tâm, có hướng xử lý. Các cơ quan chủ quản tiếp tục rà soát vốn đối ứng của các địa phương, tập trung báo cáo nhu cầu sử dụng vốn, tình hình triển khai thực hiện. Riêng đối với các huyện chậm trễ phân bổ vốn sự nghiệp cần có giải pháp khắc phục ngay, không để tình trạng này kéo dài.
“Đối với tiến độ giải ngân, cần bóc tách cụ thể từng dự án, tiểu dự án trong năm 2022 và 2023. Cơ quan tham mưu yêu cầu các địa phương lập bản đồ chi tiết, dự kiến giải ngân cho dự án, tiểu dự án mà từng địa phương thụ hưởng. Đồng thời bám sát từng mốc thời gian báo cáo tiến độ cụ thể” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.