Tỉnh ủy họp bàn việc xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch
Sáng ngày 6/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2022 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXII).
Các đồng chí: Phan Việt Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; Lê Văn Dũng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị; cùng sự tham dự của các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan.
Theo chương trình, hội nghị tập trung bàn 3 nội dung: dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP.Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng; tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 14/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo về Đề án và Nghị quyết xây dựng và phát triển thành phố Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hoá, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng. Trong đó Di sản văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Xây dựng Hội An giữ vai trò là một trong những vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.
Xây dựng thành phố Hội An có những tiêu chí tương đương của đô thị loại 2: Trung tâm kinh tế - xã hội lớn của tỉnh; đạt mức dân số tối thiểu là 200.000 người; mật độ dân số tối thiểu là 1.800 người/km2; Tối thiểu 65% lao động phi nông nghiệp; đáp ứng tốt hệ thống cảnh quan, đô thị và hạ tầng kỹ thuật. Cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh trong tỉnh Quảng Nam và mạng lưới đô thị thông minh trong nước, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, tỉnh đã thực hiện số hóa trên 65.000 hồ sơ liệt sĩ, trên 45.500 hồ sơ người có công với cách mạng. Từ năm 2018 đến ngày 15/8/2022, đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận người có công với cách mạng trên 1.400 trường hợp; trong đó, xác nhận mới 41 liệt sĩ, 193 thương binh, 153 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 373 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 227 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Đã thực hiện chế độ, chính sách cho trên 22.800 trường hợp, trong đó: Giải quyết chế độ đối với thân nhân liệt sĩ cho 1.083 trường hợp, trợ cấp một lần đối với thân nhân Mẹ Việt Nam Anh hùng mới công nhận 570 trường hợp, giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình 3.583 trường hợp, giải quyết trợ cấp mai táng sau khi người có công với cách mạng và thân nhân từ trần 9.952 trường hợp, trợ cấp đối với học sinh, sinh viên con đối tượng chính sách 4.256 trường hợp… Hằng năm, đã kiểm tra, thẩm định và giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho thân nhân thứ yếu thờ cúng liệt sĩ trên 41.000 lượt.
Về thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã tổ chức tiếp gần 62.800 lượt người; các cơ quan tư pháp của tỉnh tiếp trên 15.400 lượt người. Đã xử lý, giải quyết trên 37.612 đơn/37.661 đơn đủ điều kiện xử lý; trong đó, đã giải quyết 1.872/1.989 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, đa số các cơ quan, người có thẩm quyền đã thực hiện đảm bảo quy trình, thủ tục quy định; các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đều được công khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Việt Cường- Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất các nội dung của chương trình hội nghị và sẽ đưa việc xây dựng và phát triển TP.Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch vào chương tình công tác năm 2023, đồng thời yêu cầu TP.Hội An tiếp thu các ý kiến và hoàn chỉnh Đề án, các văn bản có liên quan.
Trong thời gian tới, đồng chí Phan Việt Cường yêu cầu tăng cường nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với người có công, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu chính sách nhà ở (có thể xã hội hóa hoặc trích nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ thêm), đến năm 2023 phải xử lý dứt điểm. Đặc biệt, Tỉnh ủy sẽ ban hành Chỉ thị mới về công tác tiếp công dân;…