Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Mai Chi 14/10/2022 00:00

Trong giai đoạn 2016-2021, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và có nhiều kết quả tích cực.

Lực lượng biên phòng của Việt Nam và Lào kiểm tra tại cột mốc biên giới 616.

Tỉnh Quảng Nam có 02 huyện (Nam Giang, Tây Giang) giáp với tỉnh Sê Kông của Lào, với chiều dài đường biên giới là 157,364 km. Trong đó, huyện Tây Giang có 08 xã biên giới, Nam Giang có 06 xã biên giới. Thu nhập bình quân đầu người: thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đối với các xã biên giới: 20,80 triệu đồng/ năm; trong đó, huyện Tây Giang là 23,60 triệu đồng/năm, huyện Nam Giang là 18 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tây Giang là tỷ lệ 66,13%, hộ cận nghèo 61 hộ, tỷ lệ 1,13%; huyện Nam Giang là 50,40%, hộ cận nghèo 87 hộ, tỷ lệ 1,20%.

Hệ thống hạ tầng giao thông các xã biên giới đất liền được đảm bảo, xã có đường ô tô đến trung tâm 14/14 xã; tuy nhiên hiện nay có một số đoạn đã bị hư hỏng, xuống cấp do tác động của thiên tai nên đi lại vào mùa mưa rất khó khăn. 

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn 14 xã biên giới trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư, trong đó từ năm 2017 đến nay đã bố trí hơn 20 tỷ đồng để đầu tư 16 công trình thủy lợi; hệ thống các kênh dẫn nước tưới tiêu, hệ thống thủy lợi nội đồng và các trạm bơm bước đầu cơ bản được đầu tư xây dựng, một số công trình được khắc phục, nâng cấp sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hoàn thiện, phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 220 ha đất trồng lúa và đảm bảo công tác phòng chống hạn, nâng cao năng suất cho các loại cây trồng khác. 

Hiện nay 14 xã biên giới đất liền của tỉnh đã được cấp điện bằng lưới điện quốc gia đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn, ổn định cho 14 xã biên giới với số hộ dân được sử dụng điện là 6.187 hộ/6.324 hộ, tỷ lệ 97,8%2 . 

Nguồn nước sinh hoạt của dân cư khu vực biên giới chủ yếu là các nguồn sông, suối trong vùng và một phần nguồn nước ngầm, được cấp từ các trạm cung cấp nước đặt tại trung tâm xã, cụm tuyến dân cư, cửa khẩu. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn các xã biên giới đất liền đã đầu tư 27 hệ thống nước sinh hoạt với tổng kinh phí đã bố trí khoảng 29 tỷ đồng, góp phần phục vụ nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh cho Nhân dân. 

Trên địa bàn 14 xã biên giới hiện nay có 01 chợ đường biên (chợ xã Lăng, huyện Tây Giang), 02 cửa hàng thương mại tại cửa khẩu Nam Giang đang hoạt động, cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu mua bán hàng hoá thiết yếu của Nhân dân qua lại cửa khẩu.

Việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới được quan tâm, trong đó cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc được đầu tư, nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế theo Nghị quyết số 183/NQ-CP ngày 22/12/2020 của Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Kông, Lào đã tổ chức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Quảng Nam - Đắc Tà Oọc, Sê Kông. Việc nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế đã tạo thuận lợi và mở ra con đường ngắn nhất cho việc thông thương, trao đổi hàng hóa giữa tỉnh Quảng Nam và các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia. Việc hình thành cặp cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm góp phần quan trọng trong việc tăng cường giao lưu kinh tế, tạo điều kiện cho việc đi lại giữa nhân dân hai tỉnh, mở rộng hợp tác kinh tế với tỉnh Sê Koong và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Hệ thống trường, lớp các cấp học tại các xã biên giới cơ bản ổn định; đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường: 3.302 học sinh Mầm non, tỷ lệ 100%; 5.306 học sinh Tiểu học, tỷ lệ 98,12%; 3.531 học sinh THCS, tỷ lệ 95,66%; 1.488 học sinh THPT, tỷ lệ 62,67%.

đồng bào người DTTS tại các xã biên giới được cấp 245.178 thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Đến nay, có 14/14 xã biên giới có trạm y tế và có bác sĩ phục vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của Nhân dân địa phương, thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình, trẻ em và đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm dịch qua biên giới, đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid-19 . Hằng năm, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã về kỹ năng thực hiện công tác y tế dự phòng, dân số; đào tạo, cập nhật chuyên môn cho y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; triển khai thường xuyên các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nên không xảy ra dịch bệnh sốt rét, lao trên địa bàn; tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, truyền thông cho người dân ở 14 xã biên giới, nhất là tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, huyết áp, ung thư cổ tử cung; sức khỏe tâm thần) ; triển khai thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật sau đào tạo của tuyến trên trong các chương trình y tế - dân số và các chương trình, dự án khác, tập trung cho 14 xã biên giới.

Tình hình an ninh biên giới trong những năm qua luôn được đảm bảo, hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông, Lào phối hợp thực hiện tốt nội dung Hiệp định quy chế biên giới giữa hai nước; luôn duy trì tốt các cuộc họp thường niên, ký kết các chương trình hợp tác phát triển giữa hai địa phương; duy trì, đẩy mạnh chương trình kết nghĩa giữa các cụm thôn, bản hai bên biên giới. Thường xuyên phối hợp, kết hợp tuần tra song phương bảo vệ đường biên cột mốc, duy trì tốt giao ban trao đổi tình hình giữa các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của mỗi bên; phối hợp làm tốt việc tôn tạo, tăng dày các mốc quốc giới, đang giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai tỉnh.

Trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tuyến biên giới đất liền cơ bản ổn định, chưa có xảy ra vụ việc, hiện tượng gì liên quan đến an ninh quốc gia. Chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu nghi vấn địch xâm nhập hoạt động, người lạ mặt xuất hiện có nghi vấn ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nội bộ, an ninh nông thôn được giữ vững; không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 05/6/2009 của UBND tỉnh, Nghị quyết số 11/NQ/TU ngày 12/10/2009 của Tỉnh ủy Quảng Nam về “Công tác dân vận trong tình hình mới”, đặc biệt là phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Lực lượng Công an và Biên phòng thường xuyên nắm tình hình các xã biên giới và địa bàn đối biên, tuyến xâm nhập, các khu vực phức tạp về an ninh trật tự. Thúc đẩy công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung đấu tranh chuyên án, đầu mối trọng điểm, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch tác động vào khu vực biên giới. Thường xuyên bám sát địa bàn, chủ động nắm tình hình từ xa, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có ý đồ lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền của Đảng và Nhà nước trong việc kêu gọi, huy động, thu hút nguồn lực xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, trợ giúp đồng bào các xã biên giới đất liền để hoạt động chống phá, gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội, đồng thời tích cực vận động, tuyên truyền Nhân dân phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa bàn tuyến biên giới.

Tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan kết nối và hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh sang đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại tỉnh giáp biên Sê Kông nói riêng và các địa phương của Lào nói chung. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp Bạn phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai bên. Tăng cường hợp tác kinh tế ở khu vực biên giới hai huyện Đắc Chưng và Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. Tỉnh Sê Kông quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam sang hợp tác đầu tư dự án trên tại tỉnh Sê Kông.

Trên cơ sở Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 27/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam, HĐND 10 tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2019-2025; trong đó, Nghị quyết đã bố trí hằng năm từ ngân sách tỉnh bổ sung 02 tỷ đồng/xã biên giới đất liền để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh (ngoài các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của trung ương, của tỉnh bố trí theo định mức, kế hoạch). Với kinh phí hỗ trợ này, từ năm 2019 đến nay ngân sách tỉnh đã bố trí 112 tỷ đồng (trong đó: huyện Tây Giang: 64 tỷ đồng, huyện Nam Giang: 48 tỷ đồng) để hỗ trợ đầu tư để đầu tư xây dựng mới 50 công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, cơ sở trường, lớp học, công trình văn hóa, sắp xếp dân cư… 

Nhìn chung, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã biên giới đất liền đã thay đổi đáng kể, giao thông từng bước được hình thành; công trình giáo dục, y tế từng bước được kiên cố hóa; công trình thủy lợi, nước sạch được đầu tư đồng bộ ở vùng sâu, vùng xa… Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã biên giới đất liền từ nguồn kinh phí này đã góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các xã biên giới đất liền, góp phần tạo điều kiện cho người dân vùng biên giới tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Mai Chi