UBND tỉnh họp góp ý dự thảo Nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 – 2025
Sáng nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành để nghe báo cáo tiến độ nội dung Nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025 chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh.
Việc tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng, tay nghề cho phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở này, Nghị quyết xây dựng với 9 mục tiêu cơ bản đó là: Từng bước bảo đảm qui mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển KT-XH, chất lượng đào tạo một số trường thuộc tỉnh tiếp cận được trình độ các nước ASEAN và cấp quốc gia, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70 – 75%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% vào năm 2025. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp bình quân trong giai đoạn 2022 – 2025, đạt 24 ngàn người/năm. Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 30%; từ 15 – 20% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ Cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Tập trung giáo dục nghề nghiệp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại 9 huyện miền núi của tỉnh đạt 50%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 70%. Ít nhất 60% các trường CĐ, TC có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia. Phấn đấu 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý-quản trị hiện đại. Phấn đấu khoảng 80% ngành nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia…
Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia góp ý để đề xuất thêm một số nội dung như khuyến khích các trường nghề của tỉnh mở lớp đào tạo tại địa bàn các huyện miền núi, thay vì tuyển học viên về tỉnh, như vậy sẽ giúp thu hút đông đảo học sinh tham gia học nghề, giải quyết việc làm. Quan tâm xem xét cơ chế hỗ trợ con em đồng bào DTTS khi tham gia đào tạo nghề để hạn chế tình trạng đi lao động tự do.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, PCT UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở LĐTB-XH tiếp thu, chỉnh sửa làm rõ một số vấn đề chính về bố cục, chỉ tiêu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để sớm trình UBND tỉnh họp thông qua.