Góp ý dự thảo Đề án “Xác định chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2030”
Sáng nay (26/7), Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án “Xác định chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2030” đối với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tham dự có các đồng chí: Phạm Minh Hùng- Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), Chánh văn phòng BCĐ CCHC Chính phủ và Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Mục tiêu chung của Đề án nhằm nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nội dung tiêu chí, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Về phạm vi áp dụng là công tác theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Được áp dụng cho đối tượng là các bộ, cơ quan ngang bộ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Bộ Chỉ số sẽ được chia thành các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực phân chia thành các tiêu chí, mỗi tiêu chí có thể được chi tiết thành các tiêu chí thành phần, cụ thể: Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, bao gồm 07 lĩnh vực đánh giá: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, bao gồm 08 lĩnh vực đánh giá: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Về thang điểm đánh giá, tổng điểm đánh giá là 100 điểm. Trong đó, dự kiến, tỷ lệ điểm điều tra xã hội học dao động từ 30% - 40% số điểm, tùy thuộc vào số lượng các tiêu chí đánh giá. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí. Phương pháp đánh giá, sẽ đánh giá qua báo cáo và đánh giá qua điều tra xã hội học…
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tán thành đánh giá tất cả các địa phương; đồng thời, cân nhắc tiêu chí “mức độ tham gia của cá nhân, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” vì có nhiều lĩnh vực người dân không hiểu biết, không quan tâm, họ chỉ quan tâm đến vấn đề cần giải quyết.