Dấu ấn từ Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam 2022
Sau 3 ngày diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam 2022 đã kết thúc thành công .
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham gia khá đầy đủ của của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các tỉnh bạn, đặc biệt là sự đồng hành của các nhà tài trợ, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 diễn ra từ ngày 19/5 đến ngày 22/5/2022 tại Công viên vườn tượng An Hội, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động của năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn – phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, tạo cơ hội cho các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi, các chủ thể sản phẩm nghề được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung cầu; là dịp để Nhà nước và xã hội tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân, thợ giỏi, họ là những người luôn giữ lửa và phát triển nghề truyền thống của các địa phương.
Festival được dàn dựng 10 gian nhà gỗ và 78 gian nhà tre (Làng nghề trong tỉnh được phân bổ, bố trí tại 6 nhà gỗ và 20 gian nhà tre, Làng nghề ngoài tỉnh phân bổ, bố trí tại 4 nhà gỗ và 58 nhà tre), với sự tham gia của hơn 60 nghệ nhân, thợ giỏi từ tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Hà Nội, Thanh Hóa, Đắklăk, Đồng Tháp và các tỉnh, thành khác. Các sản phẩm nghề truyền thống được chọn lựa để trưng bày, triển lãm tại các gian hàng; đồng thời Ban tổ chức có bố trí khu gian hàng Trung tâm để quảng bá những sản phẩm mới của du lịch Quảng Nam và các hoạt động XTTM như giới thiệu Trang sản phẩm Quảng Nam, trưng bày cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm…Có hoạt động biểu diễn thực cảnh nghề truyền thống đặc sắc như nghề gốm (gốm Bát Tràng, gốm Thanh Hà), dệt thổ cẩm (Dệt thổ cẩm tỉnh Đắk Lắk và huyện Tây Giang, Quảng Nam), chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa), Đan Mê Bồ (Đồng 2 Tháp), dệt lụa (huyện Duy Xuyên)…; Qua đó, viết lại mỗi câu chuyện về sự hình thành, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống một cách chân thực và sôi động. Ngoài ra, có các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật như Cồng Chiêng Tây nguyên, hát đối, hò khoan, đờn ca tài tử; đêm Hoài Giang và các chương trình văn nghệ đặc sắc, đêm nhạc Bolero; có buổi Tọa đàm với chủ đề “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm nghề, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu”; chương trình kết nối du lịch xanh gắn với làng nghề, và giới thiệu các sản phẩm du lịch mới của tỉnh Quảng Nam; tổ chức Đoàn các tỉnh tham quan, kết nối phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô tại THACO và một số chương trình tham quan giới thiệu các điểm du lịch xanh, du lịch gắn làng nghề truyền thống.
Festival mỗi ngày đã thu hút khoảng 10.000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến tìm kiếm đối tác để liên doanh liên kết, tham quan, mua sắm, tìm hiểu nghề truyền thống... Doanh số bán hàng của các đơn vị tham gia Festival ước đạt trên 5 tỷ đồng.
Mục tiêu đạt được Các hoạt động của Festival được tổ chức trên 3 tiêu chí: Sinh động – Sâu sắc – Sắc màu, cụ thể như sau: Thứ nhất, các sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống tại Festival tham gia đầy đủ, có chất lượng, mỗi sản phẩm đều là nhân chứng sống cho sự hình thành, bảo tồn và phát triển, bảo tồn gắn với đổi mới, công nghệ thương mại hiện đại, là công cụ phát huy cao độ sự sáng tạo và gìn giữ yếu tố truyền thống. Sản phẩm có sự chọn lọc, có tính kết nối theo vùng miền như Gốm sứ Bát Tràng, gốm Thanh Hà, Đất nung Nguyễn Đức Hạ. Sự kết nối từ sản phẩm cụ thể đến các di sản văn hóa phi vật thể, như Trống đồng Thanh Hóa, làng đúc đồng Phước Kiều, Cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện sinh động cho tới tận đêm cuối cùng của Festival. Rất nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách, tạo nên sự kết nối cung cầu khá tốt, có nhiều giao dịch mua bán ngay tại lễ hội, hứa hẹn một tương lai hợp tác, phát triển và khôi phục kinh tế sau thời gian dài dịch bệnh.
Thứ hai, thông qua Festival giúp cho việc giao lưu văn hóa và tôn vinh sự đóng góp của các nghệ nhân thợ giỏi đã nhiêt huyết với nghề, giữ nghề, truyền nghề, phát triển kinh tế gia đình dựa vào nghề, gìn giữ văn hóa làng, lao động sản xuất mang tính cộng đồng cao. Qua sự kiện này các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ có động lực để cống hiến nhiều hơn nhằm phát triển nghề truyền thống.
Thứ ba, Festival cũng là dịp để trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các cá nhân, đơn vị địa phương trong và ngoài tỉnh. Thông qua sinh hoạt tại lễ hội, tại buổi tọa đàm đã đạt được sự gần gũi, sẻ chia, động viên để tạo điều kiện cho phát triển nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm nông nghiệp nông thôn theo thế mạnh của các vùng miền, địa phương; hứa hẹn mở ra sự hợp tác, liên kết cùng phát triển thị trường trên phạm vi cả nước và quốc tế.
Các hoạt động quảng bá, tuyên truyền - Thông tin về Festival được thường xuyên phản ánh trên các báo, đài Trung ương và địa phương, website, bản tin của ngành Công Thương. Lễ khai mạc được đài QRT truyền hình trực tiếp, đài VTV5 nối sóng trực tiếp và nhiều đài trên cả nước tiếp sóng với chương trình nghệ thuật đặc sắc, nội dung đậm nét dấu ấn về nghề truyền thống và trước lễ khai mạc có các hoạt động tôn vinh nghệ nhân như nghi lễ Bách nghệ tổ nghề và diễu hành của các nghệ nhân, thợ giỏi. Festival cùng với nhiều hoạt động kết hợp tạo cơ hội cho các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp giao lưu học hỏi, tạo điểm đến cho nhân dân trong tỉnh và khu vực tham quan, mua sắm. Khách tham quan và mua sắm đánh giá cách bài trí gian hàng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, hình thức gian hàng đẹp, đặc biệt năm nay toàn bộ gian hàng nằm trong khu nhà gỗ, nhà tre góp phần tôn thêm vẻ đẹp nghề, làng nghề truyền thống và thể hiện được tầm vóc của Festival.
Về công tác hậu cần, an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong thời gian diễn ra Hội chợ, Ban tổ chức đã phối hợp với lực lượng công an bảo vệ, công an phòng cháy chữa cháy, lực lượng an ninh, bảo vệ tích cực đi kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các gian hàng và khách tham quan cùng đóng góp vào sự an toàn chung của Festival.
Từ những thành công, hiệu ứng tích cực mà Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam 2022 mang lại, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 08 tập thể và 07 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Festival. Đồng thời, Ban tổ chức bình chọn, tuyên dương có giải thưởng cho 06 đơn vị. Ngoài ra, cấp Giấy chứng nhận cho các đơn vị, cá nhân tham gia Festival lần này.
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam 2022 diễn ra thành công tốt đẹp, thực sự là nhịp cầu kết nối để tỉnh Quảng Nam giới thiệu thành tựu, tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội; là điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tham gia giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đặc biệt, Festival còn mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp Làng nghề truyền thống tăng cường hoạt động liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống…. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thương mại Quốc tế Expo và các đơn vị có liên quan đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; tiết kiệm tới mức tối đa các khoản chi phí bất hợp lý, quy tụ được các doanh nghiệp tham gia, động viên khuyến khích được các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng các hoạt động của Festival, tạo không khí sôi động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.