Tiếp tục sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Sở Nội vụ vừa ban hành công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, triển khai một số nội dung nhằm tiếp tục sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ NSNN.
Về tổ chức hành chính, đẩy nhanh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong theo Đề án kiện toàn các tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Nam được ban hành tại Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh; phương án sắp xếp tổ chức hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt, gắn với việc thực hiện bố trí cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị theo vị trí việc làm cho phù hợp, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu. Sau sắp xếp, kiện toàn hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn; tập trung huy động, phát huy tiềm năng đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có;
Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính;
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm số lượng phòng, ban, chi cục; không thành lập tổ chức mới, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh thực hện tinh giản biên chế.
Về sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập: Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, thực hiện sáp nhập đối với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp; giải thể đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả và không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị; Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở thị xã, thành phố, đô thị lớn, những nơi có dân số cơ học tăng nhanh, các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao và trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Về mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19- NQ/TW và quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm tính ổn định và phát triển;
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác (không cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu): Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo hướng tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên và chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;
Kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hoá cao và đã tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, như: một số Bệnh viện tuyến tỉnh, Ban Quản lý dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất, đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ…;
Đổi mới phương thức Nhà nước cấp kinh phí đảm bảo chi thường xuyên cho biên chế viên chức sang cơ chế đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực.
Về giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, xây dựng Đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đạt mục tiêu: Giai đoạn 2022-2025, thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 20211 ; Các đơn vị sự nghiệp căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ để xây dựng phương án tự chủ tài chính, trong đó xác định cụ thể mức độ phần trăm tự chủ tài chính, từ đó xác định tỷ lệ phần trăm tương ứng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp;
Thực hiện xây dựng trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ theo hướng tinh gọn, xác định cụ thể số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.