Triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 tại các huyện miền núi của tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã có buổi làm việc với 06 huyện nghèo Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, Sở LĐ,TB&XH cho biết, Bộ LĐ,TB&XH dự kiến tổng nguồn vốn trung ương phân bổ cho tỉnh Quảng Nam thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là hơn 2.055 tỷ đồng; dự kiến nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương tối thiểu bằng 15% tổng vốn ngân sách trung ương phân bổ. Trên cơ sở dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”, Sở LĐ,TB&XH đã thực hiện chấm điểm, phân bổ vốn các dự án, tiểu dự án cho 06 huyện nghèo năm 2022 là hơn 500 tỷ đồng.
Qua theo dõi, rà soát, đến nay các 06 huyện nghèo đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Chỉ đạo triển khai hoàn thành việc rà soát, thu thập, cập nhật thông tin, đặc điểm của hộ nghèo, hộ cận nghèo lên Phần mềm quản lý trực tuyến của tính; tổng hợp, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo 02 chuẩn nghèo. Đồng thời xây dựng đề án, chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến khích giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn các huyện nghèo, Sở LĐ,TB&XH đã đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát lại danh mục dự án đầu tư đã báo cáo về Sở trước đây nhằm đảm bảo đúng quy định, trọng tâm. Theo báo cáo của các địa phương, huyện Tây Giang có 34 công trình, tổng mức đầu tư hơn 94,3 tỷ đồng; huyện Nam Trà My có 32 công trình, kinh phí hơn 226,5 tỷ đồng; huyện Phước Sơn có 11 công trình với kinh phí hơn 298 tỷ đồng; huyện Nam Giang có 15 công trình, kinh phí 85,5 tỷ đồng; Đông Giang có 23 công trình, kinh phí hơn 128,3 tỷ đồng; Bắc Trà My có 40 công trình, kinh phí hơn 124,8 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các Sở, ngành, địa phương. Đồng chí Trần Anh Tuấn đề nghị các Sở, ngành, địa phương tập trung cho công tác phân bổ, định mức nguồn vốn. Trong đó, giao Sở LĐ,TB&XH dựa trên nguồn vốn trung ương dự kiến phân bổ và 15% vốn đối ứng của địa phương để xác định nguồn vốn của mỗi huyện. Các địa phương rà soát lại các danh mục đầu tư; ưu tiên các công trình trọng điểm, hướng tới phục vụ số đông cho xã hội, mang tính bệ phóng thúc đẩy phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng. Đồng thời, giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phương án vốn đối ứng cho các huyện thực hiện Chương trình trình HĐND tỉnh thông qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng thống nhất chủ trương mỗi huyện thành lập 01 văn phòng chuyên trách thực hiện Chương trình.