Archived

Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022: Cơ hội để sản phẩm làng nghề xứ Quảng vươn xa

MC 24/05/2022 00:00

Từ ngày 19 đến 22 tháng 5, tại công viên vườn tượng An Hội - Thành phố Hội An, UBND tỉnh tổ chức Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022- Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động trọng tâm của Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, mở ra cơ hội để giới thiệu sản phẩm truyền thống đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bí Thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tặng quà lưu niệm cho các nhà tài trợ.

Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam 2022 là một trong những hoạt động trọng tâm của Năm Du lịch Quốc gia 2022, tái hiện sinh động nhất các giai đoạn phát triển Nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung Tây Nguyên nói chung. Qua đó giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước những bản sắc văn hóa, làng nghề... gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nghề truyền thống trong khu vực. Hướng đến các giải pháp để bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề Quảng Nam nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung và trên cả nước nói chung. Đồng thời, tôn vinh các nghệ nhân tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh thành có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam.

Tham gia trong hoạt động triển lãm, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống lần này, chị Hồ Thị Mười- Chủ sơ sở sản xuất Mười Cường- Nam Trà My cho biết: “Là một trong những đại diện của các đơn vị miền núi tham dự Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất- Quảng Nam 2022, chúng tôi đã mang tới những sản vật đặc trưng nhất của địa phương nhằm quảng bá cũng như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cả các đơn vị trong và ngoài nước”. Theo đó, lần này, đơn vị của chị tham gia triển lãm, trưng bày một số sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My như: Sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác…

Festival lần này thu hút gần 100 gian hàng cùng sự tham gia của hơn 60 nghệ nhân, thợ giỏi đến từ nhiều tỉnh thành đại diện các vùng miền trong cả nước như Quảng Nam, Hà Nội, Thanh Hóa... trưng bày hơn 500 sản phẩm. Ngoài ra còn có 150 doanh nghiệp, chủ thể OCOP trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu sản phẩm.   Festival cũng sẽ có các hoạt động trình diễn, tái hiện sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành nói chung. Ngoài ra, sẽ tổ chức các Tọa đàm bàn giải pháp bảo tồn, phát triển nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo.

Du khách đến với Festival sẽ được trải nghiệm, tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc sắc của nhiều vùng miền trên cả nước.

Trong khuôn khổ Festival, cũng đã diễn ra hoạt động ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Hà Nội. Đây là một trong các địa phương có nhiều yếu tố tương đồng với tỉnh Quảng Nam về bảo tồn, phát triển nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, nghề dệt lụa, sản phẩm mỹ nghệ gỗ… Do đó việc liên kết giao thương, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho sản phẩm hai địa phương mở rộng thị trường, hướng đến sự phát triển.

Cũng góp mặt trong đợt triển lãm lần này, chị Nguyễn Thị Thành Vinh- Chủ tịch HTX NN&DL Trà Đõa- Thăng Bình chia sẻ niềm vui khi được tỉnh tạo điều kiện để có một “sân chơi” bổ ích, qua đó giao lưu, trải nghiệm, kết nối, quảng bá các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của quê hương.

          

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan các gian hàng triển lãm trong khuôn khổ Festival.

Phát biểu khai mạc Festival, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết: Đây là một trong những sự kiện quan trọng thuộc chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia; thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế của Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó tạo cơ hội cho các làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung cầu, cũng là dịp để tôn vinh sự đóng góp của nghề truyền thống vào sự phát triển của địa phương.

Tại Festival lần này cũng diễn ra Tọa đàm bàn về những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề trong thời kỳ hội nhập và tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực vùng - miền. Qua đây, sẽ thúc đẩy khai thác hết các tiềm năng vốn có của làng nghề xứ Quảng nó riêng và khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói chung, góp phần mở rộng thị trường sản phẩm đặc trưng./.

MC