Thông tin cải cách hành chính

Tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm để nâng vị trí xếp hạng Chỉ số PCI

Ngọc Phương 14/06/2022 00:00

Để phấn đấu nâng vị trí xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh tăng ít nhất 10 bậc trên bảng xếp hạng cả nước trong thời gian đến, UBND tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Bảng xếp hạng PCI 2021.

Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy về nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Quảng Nam gắn với đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2022-2025. 

UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh Quảng Nam trong năm 2022. 

Một số nhóm giải pháp trọng tâm để cải thiện Chỉ số PCI, gồm: 

Về tính năng động của chính quyền tỉnh: Yêu cầu các Sở, Ban, ngành , địa phương thực hiện tốt các chủ trương của tỉnh, giao Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu các giải pháp đánh giá mức độ thực thi của các đơn vị. 

Triển khai đánh giá Chỉ số DDCI để góp phần cải thiện PCI; ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của đơn vị, địa phương, trong đó phân bổ tiêu chí "Đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh (DDCI) của từng Sở, Ban, ngành và địa phương" chiếm tỷ lệ cao trong tổng điểm chuẩn hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương. 

Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu bổ sung nội dung "Kết quả Chỉ số DDCI của các Sở, Ban, ngành và địa phương" vào tiêu chí đánh giá, xếp loại Đảng viên đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm. 

Chỉ đạo cập nhập nội dung về chỉ số PCI, DDCI vào chương trình bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam phục vụ công tác giảng dạy cho các lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và ban hành đề án đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh các Sở, Ban, ngành và địa phương (DDCI) giai đoạn 2022-2025 để đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các đơn vị, địa phương, tạo động lực cải cách trên toàn tỉnh. 

Xây dựng bản đồ điện tử về tiếp nhận khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phục vụ kịp thời trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh trong giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp. Thiết lập Trang Zalo Quảng Nam Investor Care để cung cấp thông tin về môi trường đầu tư đồng thời tiếp nhận, tương tác và phản hồi các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Về thủ tục hành chính: Đối với thủ tục đất đai sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rút ngắn thời gian xác định giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Rà soát và có giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ đất đầu tư còn trống nằm trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp hiện có. Chỉ đạo các địa phương có các dự án trọng điểm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư của các dự án.

Đối với các thủ tục trước và sau gia nhập thị trường sẽ giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục và thời gian thực hiện, nhất là những thủ tục có tần suất giao dịch lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, khai trình việc sử dụng lao động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải, đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động, cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy....

Đối với các thủ tục hành chính trực tuyến: Giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 

Về tính minh bạch: Giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục cải tiến 7 hình thức và chất lượng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương tạo sự minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin. 

Về đào tạo lao động, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, công khai trên cổng thông tin của tỉnh trong lĩnh vực lao động, việc làm; phát huy các sàn giao dịch việc làm để phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi (vốn, tín dụng, thuế, đất đai…) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh. 

Về công tác thanh tra, kiểm tra: Giao Thanh tra tỉnh chủ trì cùng các cơ quan liên quan rà soát lại và tổng hợp kế hoạch thanh tra hằng năm của các Sở, ngành, địa phương trình UBND tỉnh xem xét, ban hành để đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo về nội dung đảm bảo chỉ thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần trong năm đối với mỗi doanh nghiệp. 

Về cán bộ, công chức, viên chức: Giao Sở Nội vụ triển khai thực hiện chấm điểm hằng tháng đối với lãnh đạo quản lý, cán bộ, công chức, viên chức về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ngành, địa phương; bố trí, dành nguồn lực ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và các kỹ năng khác cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Phương