Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025
Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện một số nhiệm vụ hoàn thành đúng tiến độ theo Kế hoạch 1543/KH-UBND ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1844/UBND-NCKS ngày 30/3/2022, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 673/STP-VBTT ngày 07/4/2022 về việc phối hợp với Công an tỉnh và Sở Thông tin và truyền thông thực hiện rà soát văn bản QPPL đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành có liên quan đến định danh và xác thực điện tử; các văn bản QPPL do tỉnh ban hành có quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân hoặc xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID.
Hiện tại Sở Tư pháp đã triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Nghị định 45/2020/NĐ-CP đồng thời đã thực hiện xong việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.
Sở Tư pháp đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, kết nối, liên thông dữ liệu với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Hiện tại Sở Thông tin & Truyền thông đã thực hiện xong một số dịch vụ trong lĩnh vực hộ tịch như đăng ký khai sinh, đăng ký lại khai sinh; đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện trên Cổng Dịch vụ công; việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp chỉ mới hoàn thành đối với dữ liệu đăng ký khai sinh.
Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục hỗ trợ thực hiện cung cấp các dịch vụ còn lại trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, kết nối, liên thông dữ liệu với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp- Bộ Công an- Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-STP ngày 19/10/2015 “Ban hành quy chế mẫu về phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.
Việc kết nối, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử với Hệ thống cấp Thẻ bảo hiểm y tế của Cơ quan Bảo hiểm xã hội được thực hiện thông qua Quy chế phối hợp số 01/QCPH/STP-BHXH ngày 09/3/2020 giữa Sở Tư pháp và Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam.
Số hóa hồ sơ, kết quả trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) Sở Tư pháp đang triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 8079/KH-UBND ngày 12/11/2021 và Công văn số 3083/UBND-NCKS ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh.
Đề cương và dự toán chi tiết số hóa dữ liệu hộ tịch tỉnh Quảng Nam (thực hiện đối với Sở Tư pháp và 9 huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên, Phú Ninh, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đông Giang), hiện tại đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1527/QĐ-UBND ngày 03/6/2022 theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai thực hiện số hóa hộ tịch; đây là giải pháp hữu hiệu và phù hợp để thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch của tỉnh hiện nay vì thực trạng cơ sở vật chất của các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương trên địa bàn tỉnh, như: máy tính, máy in, máy scan không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật số hóa, bên cạnh đó trình độ CNTT, thời gian của công chức làm công tác hộ tịch khó đáp ứng được tiến độ số hóa theo yêu cầu về kỹ thuật số hóa theo Công văn số 1437/BTP-CNTT ngày 25/04/2019 của Bộ Tư pháp và tiến độ số hóa theo quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/07/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến (hoàn thành trước ngày 01 tháng 01 năm 2025).
Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã trong việc kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo tất cả các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.
Từ ngày 01/8/2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai sử dụng chính thức Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp trong việc đăng ký các sự kiện hộ tịch theo thẩm quyền. Đến nay, phần lớn các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư trang bị về máy tính, máy in, mạng internnet đảm bảo phục vụ việc đăng ký và quản lý hộ tịch trên Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, do đó hầu hết tất cả các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ và cập nhật kịp thời trên Phần mềm. Kết quả rà soát cụ thể như sau: Số lượng máy vi tính được bố trí cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch chiếm tỷ lệ 95%, trong đó sử dụng riêng cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch chiếm tỷ lệ 55%; Số lượng máy in được bố trí phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch chiếm tỷ lệ 99%; Số lượng máy quét được bố trí phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch chiếm tỷ lệ 35%; Mạng internet ổn định đảm bảo phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch chiếm tỷ lệ 84%, mạng không đảm bảo, phải sử dụng 4G để thực hiện chiếm tỷ lệ 16%.