Ngành Ngân hàng tiên phong, chủ động chuyển đổi số
Chiều 11/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC (IEC Group) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành ngân hàng - Smart Banking 2022 với chủ đề “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với chủ đề "Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư," sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, qua đó cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành Ngân hàng trong tương lai.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, thông qua những mối quan hệ tương tác với các chủ thể của nền kinh tế, Ngành ngân hàng đã có mức tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với các nền tảng công nghệ không chỉ phục vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội, trong đó có công dân số. Vì vậy, tại Nghị quyết 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao và được ưu tiên tham gia của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, lãnh đạo ngành Ngân hàng và toàn Ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ chủ động để tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực như công bố Ngày chuyển đổi số của Ngành, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2025.
Đặc biệt, năm 2021 Việt Nam đã được tổ chức quốc tế đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, đạt hiệu quả bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Chia sẻ về những kết quả của ngành Ngân hàng trong việc chủ động và tiên phong tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh với sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ.
Trong khuôn khổ của diễn đàn cấp cao “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có một Phiên Diễn đàn cấp cao và 4 Phiên Hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan như: Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng; Xu thế và giải pháp công nghệ mới về dữ liệu và nền tảng số; Xu thế và giải pháp công nghệ mới trong phát triển dịch vụ ngân hàng số; Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng hoạt động ngân hàng trong kỷ nguyên số./.