Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Cán bộ đồng hành giúp dân thoát nghèo

HT 21/11/2022 00:00

Lâu nay đối với các huyện miền núi cao, đói nghèo trong nhân dân là câu chuyên muôn thuở. Giúp bà con thoát nghèo bằng cách cho cần câu hay cho cả cần câu lẫn con cá và giúp cụ thể ra sao vẫn là vòng quay luẩn quẩn chưa có lời giải. Với huyện vùng cao Nam Trà My, một huyện thuộc diện nghèo nhất nước theo tiêu chí đa chiều, đã có cách làm sáng tạo tìm được hướng đi mới để giải bài toán đói nghèo một cách nhẹ nhàng bền vững cho bà con. Đó là phát động phong trào Cán bộ giúp dân thoát nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ BCH Quân sự huyện Nam Trà My giúp dân trồng sắn để thoát nghèo.

Những năm qua, nhiều chính sách ưu đãi tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai khá mạnh mẽ. Song qua khảo sát thì việc hỗ trợ thôi là không đủ mà quan trọng không kém đó là tư vấn, chỉ việc chăn nuôi, trồng trọt cho hộ nghèo cách làm ăn hiệu quả cũng giữ vai trò quan tọng. Bởi muốn khai thác tốt nguồn lực thì phải có kiến thức. 

Gia đình chị Đinh Thị Lệ Vui ở thôn 1 Trà Mai, trước kia thuộc diện hộ nghèo, dù siêng năng lao động nhưng cái đói , cái nghèo vẫn vây bám. Từ ngày gia đình chị được cán bộ Ban Dân vân huyện đến giúp đỡ tư vấn cách vay vốn ưu đãi, cách sử dụng đồng vốn vào chăn nuôi nênđã từng bước tự tin hơn vào công việc. Chị đã mạnh dạn vay vốn mua heo mua bò, mua gà đưa vào chăn nuội, siêng năng chăm sóc đàn heo theo đúng qui trình, chỉ sau 6 tháng chị thu về gần trăm triệu.Không chỉ tiếp cận thông tin từ cán bộ giúp đỡ, chị Vui còn sử dụng internet để học tập các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn. Chị đầu tư tiền nuôi thêm  đàn gà, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào ấp trứng để tăng thu nhập. Sau một năm được sự tư vấn giúp đỡ tận tình của cán bộ gia đình chị vui vượt qua lực cản về thiếu hiểu biết thông tin, vượt qua nghèo đói và vươn lên thành hộ nông dân tiêu biểu biết áp dụng phương thức chăn nuôi mới hiện đại vào sản xuất. “Ngày xưa chăn nuôi, trồng trọt nhưng không có kiến thức nên thất bại miết. Chừ cán bộ họ chỉ cho mình nên nuôi heo, bò, gà thuận lợi lắm. Ở đây bà con nếu biết học hỏi kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ thoát nghèo hết thôi” –chị vui phấn khởi.

Cán bộ Ban Dân vận huyện ủy Nam Trà My hương dẫn chị Vui cách sử dụng máy ấp trứng gà.

Cũng nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ mà anh Đinh Văn Nghị ở xã Trà Mai đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng đầu tư dàn máy xay xát. Tuy mới đưa vào hoạt động chưa đầy 1năm nhưng đã giúp người dân thôn 3 xã Trà Mai không còn phải vất vả giã gạo bằng tay như trước đây. Và dàn máy xay xát này cũng đem về cho gia đình anh Nghị khoản thu nhập khá từ tiền công xát thóc. Anh Nghị lý giải việc vay tiền mua máy thay vì đầu tư mô hình khác là vì ít rủi ro hơn. Vừa giúp dân làng giảm bớt sức lao động mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình. “Tôi xát lúa cho bà con 1 ký thu về tiền công 1 nghìn đồng. Mua máy chưa được một năm nhưng thu nhập nhiều hơn số tiền vay ban đầu. Tôi thấy cán bộ huyện hướng dẫn rất hiệu quả”.

Là hộ thanh niên mới lập gia đình và ra ở riêng, đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm không cam chịu cái đói, cái nghèo, năm 2022, anh Hồ Văn Thô ở thôn 1, xã Trà Vân mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Hộ anh Thô là một trong 05 hộ tại xã Trà Vân được UBND huyện Nam Trà My phân công Ban Chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ thoát nghèo. Qua công tác nắm tình hình, Ban Chỉ huy quân sự huyện quyết định hỗ trợ  giống và tham gia trồng 500 gốc quế Trà My cho gia đình anh Thô. Nhận được sự hỗ trợ trong đợt này anh Thô không giấu được sự vui mừng “Tôi rất vui và cảm ơn Ban CHQS huyện đã hộ trợ tôi giống quế để trồng. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc để vườn quế được xanh tốt và có hiệu quả sau này…” .

Hỗ trợ quế giống cho hộ nghèo tại xã Trà Vinh.

Trung tá Trần Văn Tám – Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Nam Trà My cho biết, để tạo nguồn lực thực hiện công tác giúp nghèo, hàng năm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đều vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp kinh phí để hỗ trợ cho các gia đình nghèo. Bên cạnh đó, xác định công tác giúp nghèo phải thực chất và có hiệu quả nên đơn vị đã cố gắng bám sát nhu cầu thiết thực của người dân để triển khai hỗ trợ. “Trước mắt sẽ hỗ trợ người dân sinh kế để đầu tư làm ăn còn về lâu dài đơn vị sẽ cử cán bộ thường xuyên theo dõi, trao đổi, giúp đỡ các hộ gia đình đăng ký thoát nghèo những kinh nghiệm, những cách làm hay để làm sao có thể đem lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo…” - Trung tá Tám nói.  Cùng với những việc làm cụ thể gắn với vai trò trách nhiệm xung phong của người lính Cụ Hồ trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, Ban CHQS huyện Nam Trà My đã và đang góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại một địa phương miền núi còn vô vàn khó khăn như Nam Trà My.

Phong trào cán bộ giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững ở Nam Trà My mang đầy tính nhân văn sâu sắc. Qua đây chia sẻ được trách nhiệm, trí tuệ của xã hội đối với những hộ nghèo đang cần kiến thức để phát triển kinh tế. Kết quả đánh giá hằng năm cho thấy, các hộ nghèo được cán bộ giúp đỡ đều biết cách làm ăn, tăng thu nhập gia đình.   

Tin tưởng rằng với cách giải bài toán thoát nghèo của huyện Nam Trà My một cách sáng tạo, đầy trách nhiệm, sát thực tiễn, chắc chắn, trong thời gian không xa nữa, tỉ lệ hộ nghèo ở nơi đây sẽ giảm nhanh và thoát khỏi danh sách các huyện nghèo nhất nước.

 

HT