Giai đoạn 2011-2022, hơn 57 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Quảng Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, phát triển sản xuất, dịch vụ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành đề án thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh theo đề án của Chính phủ và theo yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh; xác định rõ các đối tượng ưu tiên cần ĐTN; ban hành các chính sách hỗ trợ học nghề, ĐTN; kiện toàn ban chỉ đạo ĐTN các cấp; phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, đoàn thể CT-XH, các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT; hệ thống cơ sở dạy nghề được đầu tư, chất lượng được nâng lên; đa dạng mô hình dạy nghề gắn với việc làm. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động. Tính riêng giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh đào tạo trên 57.000 LĐNT; trong đó, có gần 30.000 lượt nghề nông nghiệp, gần 19.000 lượt nghề phi nông nghiệp; xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả; số lao động có việc làm sau đào tạo trên 70%. Tổng kinh phí thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2022 hơn 118 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hằng năm, bình quân đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề khác cho khoảng 5.000 - 7.000 lượt LĐNT. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75% ; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực miền núi đạt 50%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 71 - 72%. Đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 60%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 40%. Tỷ lệ người lao động đào tạo mới có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề đạt trên 80%.
File đính kèm: Báo cáo.