Tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Chiều ngày 25/5, Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Sở KH&ĐT cho biết, tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 9.256.791 triệu đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 7.778.766 triệu đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài 1.478.025 triệu đồng. Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến hết ngày 22/5/2023, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 1.110.048 triệu đồng, đạt 12%. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 960.807 triệu đồng, đạt 12,4%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 149.241 triệu đồng, đạt 10,1%.
Sở KH&ĐT cũng cho biết thêm, kế hoạch vốn NSTW giải ngân thấp, đạt 7%. Trong đó, vốn NSTW hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực giải ngân đạt 12,1%, 06 dự án giải ngân 0% do các nguyên nhân: đang điều chỉnh quy mô đầu tư, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp; đang triển khai thi công và thu hồi tạm ứng hợp đồng; vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu TKBVTC, dự toán.
Các dự án sử dụng kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2023 chỉ giải ngân đạt 3,1% (28.287/922.013 triệu đồng; trong đó, vốn nước ngoài NSTW cấp phát giải ngân 2,4%, vốn tỉnh vay lại giải ngân 3,6%. Lý do dự án đang triển khai thi công và thu hồi tạm ứng hợp đồng; đang tổ chức thiết kế bước vẽ thi công và dự toán; gặp vướng mắc triển khai thực hiện dự án; đang chờ ý kiến thống nhất về thủ tục xin gia hạn thỏa thuận vay lại dự án.
Ngoài ra, nguyên nhân giải ngân nguồn vốn chậm là do Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ; đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc; một số địa phương thiếu nguồn nguyên vật liệu xây dựng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, mặc dù các ngành, địa phương đã tập trung cho công tác giải ngân, tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác về đôn đốc giải ngân, tuy nhiên tình hình giải ngân vẫn còn chậm, nhiều dự án, chương trình có tiến độ giải ngân 0%... Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đến hết Quý III năm 2023 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đến hết quý IV năm 2023 đạt
trên 90% và đến hết ngày 31/01/2024 giải ngân 100% theo Kế hoạch số 1118/KH-UBND ngày 30/3/2023 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các Sở, ngành cần tập trung các nhiệm vụ sau:
Các ngành, địa phương và các chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án giải ngân thấp sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn. Đồng thời, xây dựng, đăng ký kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đối với từng dự án, công trình, hạng mục công trình do đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư để tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Căn cứ tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án do Kho bạc Nhà nước tỉnh, các chủ đầu tư báo cáo, kiên quyết điều chuyển (cắt giảm, bổ sung) kế hoạch vốn năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính thường xuyên rà soát, chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chuyển (cắt giảm, bổ sung) kế hoạch vốn năm 2023 (ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, vốn nước ngoài) của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2023 sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cũng lưu ý các Sở, Ban, ngành đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân của chương trình phục hồi kinh tế, 03 chương trình MTQG và vốn kéo dài từ năm 2022. Đơn vị nào không giải ngân kịp tiến độ, để mất vốn sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư (thẩm định, phê duyệt) của dự án theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kịp thời cập nhật dự toán chi đầu tư phát triển. Thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư khi có khối lượng hoàn thành; lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành ngay sau khi công trình đưa vào khai thác sử dụng; tăng cường xử lý nợ xây dựng cơ bản ở tất cả các cấp ngân sách.