Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, các vùng biển và các địa bàn nội địa trọng điểm tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nổi lên, các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, đường cát, hàng đông lạnh, thực phẩm… không rõ nguồn gốc.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm đáng kể; hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại qua các cửa khẩu trọng điểm có xu thế tăng. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng khai báo không đúng số lượng, chủng loại hàng hóa làm thủ tục qua cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để buôn lậu, gian lận thương mại; buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép), bánh kẹo, nội tạng, các sản phẩm của động vật, pháo nổ, gia súc; hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy gia tăng trên tuyến biên giới đất liền các tỉnh Điện Biên, Lào Cai.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động thực vật hoang dã, đường cát, nội tạng động vật đông lạnh, rượu, mỹ phẩm… qua biên giới các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị diễn biến phức tạp.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại; buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, đường cát, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thực phẩm qua các tuyến biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, hàng điện tử đã qua sử dụng; buôn lậu, vận chuyển hàng hóa có lợi nhuận cao dầu (DO, FO), than, quặng, phế liệu, dược phẩm, thực phẩm chức năng… tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang... có chiều hướng gia tăng sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hoat động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm là ngà voi, sừng tê giác có chiều hướng từ các cảng biển khu vực miền Trung và miền Nam dịch chuyển dần ra các cảng biển khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng.
Đáng chú ý, trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, lợi dụng sự thông thoáng về chế độ, chính sách, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi, hàng hóa, hành lý…, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, các loại hàng hóa, tiền tệ… như ma túy tổng hợp, vũ khí, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, các loại hàng hóa có giá trị cao… qua các cảng hàng không quốc tế. Nổi lên, trong quý I năm 2023, hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không quốc tế gia tăng cả về số vụ việc và khối lượng tang vật vi phạm; hoạt động vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp trên các chuyến bay từ Châu Âu, Hoa Kỳ qua các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất vào Việt Nam có chiều hướng tăng.
Trong thị trường nội địa, lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, núp bóng mua sắm online qua các trang mạng xã hội, các đối tượng trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng… để mua bán, kinh doanh. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, kiot, hộ kinh doanh… hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng… được đối tượng trà trộn, bày bán công khai. Lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, các đối tượng tổ chức phát hành, mua bán trái phép hóa đơn để chiếm đoạt tiền.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra. Các đối tượng làm giả các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như bánh kẹo, mỳ chính, rượu, xăng dầu, thuốc, thuốc tân dược... Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh, thành phố. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, xe mô tô, chủ các hộ, cơ sở kinh doanh cố định, lưu động… Hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thực phẩm không rõ nguồn gốc (nội tạng động vật, đồ ăn chế biến sẵn đông lạnh…), quần, áo, giày dép, đồ chơi trẻ em… gia tăng, diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tại một số tỉnh, thành phố, hoạt động mua bán trái phép hóa đơn để chiếm đoạt tiền với số lượng đặc biệt lớn có dấu hiệu gia tăng.
Các vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại tập trung vào một số hành vi chủ yếu như sau: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn;
Các đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của lực lượng chức năng;
Lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, tuyến biển, đường mòn, lối mở… các đối tượng thuê người dân ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa; sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ;
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền.
Qua thanh, kiểm tra, tổ chức triệt phá, trong quý I, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng; khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.
Riêng tại Quảng Nam, trong 4 tháng đầu năm, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 425 vụ việc vi phạm hành chính; đã xử lý vi phạm hành chính 398 vụ việc; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7,6 tỷ đồng; tiến hành khởi tố 51 vụ/74 đối tượng.