Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Chiều ngày 13/7, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thượng tá Trần Hữu Ích, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ CHQS tỉnh chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bảo đảm đầy đủ về lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra.
Trong năm qua, lực lượng tham gia ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là 7.434 lượt người (quân sự: 983, dân quân: 4.210, lực lượng khác: 2.241), tiến hành di dời 40.105 hộ dân, với 124.524 nhân khẩu ở các khu vực trọng tâm bão và những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn; sữa chữa nhà cửa, trường học, vệ sinh môi trường… giúp dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Dự báo năm 2023, tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều hơn trên biển Đông, khả năng sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh thuộc khu vực Trung bộ.
Do đó, Bộ CHQS tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với sự cố, thiên tai xảy ra, coi đây là mệnh lệnh chiến đấu của người lính trong thời bình.
Thường xuyên bổ sung, kiện toàn lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, trang bị đầy đủ phương tiện, vật chất sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng, nhất là huấn luyện bơi cứu người bị nạn, làm bè mảng, cứu thương, phương pháp di chuyển người, trang bị, vật chất ra khỏi vùng lũ lụt, cháy nổ, sập đổ công trình. Trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Tuấn Anh- Thanh Phước