Thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phước Sơn phát động cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”

V.T 08/05/2023 16:14

Sáng ngày 8/5, UBND huyện Phước Sơn và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức lễ phát động cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Quang cảnh Lễ phát động

Những năm qua, Phước Sơn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều phong trào, mô hình với cách làm hay, phù hợp đã khơi dậy tinh thần sáng tạo, tự lực vươn lên trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo.

Tuy nhiên, đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao (34,67%). Trong đó, một bộ phận nhân dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thu nhập thấp nhưng chi tiêu chưa tiết kiệm, chưa tích lũy cho đầu tư phát triển.

Nhằm giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Huyện ủy Phước Sơn đã ban hành Chỉ thị số 27 ngày 9/2/2023 về thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Tại lễ phát động, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định, cuộc vận động được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế, phong tục tập quán của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực, không chạy theo thành tích. Kết quả là sản phẩm cụ thể mang lại từ sự thay đổi tích cực về nếp nghĩ, cách làm của đồng bào trong lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt.

“Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp hướng dẫn đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, biết triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả gắn với đề án mỗi xã một sản phẩm...” - ông Trung nói.

Theo chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025 và 2030, 100% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được tư vấn, hướng dẫn thực hiện 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ, 10 nội dung thay đổi cách làm, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có từ 40% hộ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; hơn 70% hộ có mức thu nhập bình quân 30 - 35 triệu đồng/người/năm, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu; có 10 - 15% hộ tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 4-5%/năm, đến năm 2030 còn dưới 10%.

V.T