Quyết tâm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Sáng ngày 20/7, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị.
Số vụ vi phạm tăng cao, tinh vi
Nhằm đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền qua nhiều hình thức. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức cho 75 cơ sở kinh doanh hàng hòa, dịch vụ thương mại ký cam kết chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Tổ chức 43 lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật liên quan với 2.455 lượt người tham dự. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền qua nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, trên các phương tiện thông tin đại chúng, họp dân; thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính lồng ghép tuyên truyền các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa…
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như: Nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và tổ chức, cá nhân san xuất, kinh doanh còn hạn chế; công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, bất cập… Cùng với đó, Luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế…
Theo số liệu báo cáo của các đơn vị- thành viên Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, qua thanh, kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 820 vụ việc, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng tăng 259 vụ. Thu nộp ngân sách Nhà nước gần 40,9 tỷ đồng. Trong đó, thu phạt vi phạm hành chính hơn 12,5 tỷ đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế hơn 26 tỷ đồng; tiền bán thanh lý hàng tịch thu hơn 2,2 tỷ đồng. Tiến hành khởi tố 59 vụ/91 đối tượng.
Ông Lương Viết Tịnh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường xé lẻ, trà trộn với hàng hóa khác, sử dụng hóa đơn chứng từ khống, thay nhãn mác cơ sở sản xuất trong nước vào sản phẩm nước ngoài để kinh doanh nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; lợi dụng việc người tiêu dùng thiếu hiểu biết, chưa được tiếp cận các thông tin và có nhu cầu tiêu thụ cao đối với một số hàng hóa để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, làm giả hoặc gian lận về nhãn mác hàng hóa.
Nhận diện thủ đoạn, kiên quyết đẩy lùi
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, đã xuất hiện nhiều phương thức vi phạm mới với thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử của các lực lượng chức năng gặp nhiều bất cập. Như việc xác định địa điểm, nơi các đối tượng vi phạm là hết sức khó khăn do mô hình kinh doanh thương mại điện tử nói chung, đặc biệt thông qua mạng xã hội nói riêng hình thành những chủ thể kinh doanh không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh, các đối tượng sử dung không gian mạng làm “môi trường kinh doanh” và chỉ cần một khu vực chưa, lưu trữ hàng hóa như nhà riêng, thuê phòng trọ…để thực hiện toàn bộ các hoạt động chào bán, nhận, chốt, gửi đơn hàng và thanh toán qua ví điện tử hoặc hình thức COD; việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội có chủ thể quản lý ở nước ngoài như Facebook, Twiter, Tiktok…là khá dễ. Theo đó, các đối tượng lợi dụng để tạo, sử dụng nhiều tài khoản để bán hàng nhưng không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại giao dịch, do đó việc truy xuất dữ liệu, thông tin đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một bộ phận nhỏ người tiêu dung dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn mua do giá bán rẻ. Mặt khác, người tiêu dùng có thói quen thích sử dụng hàng ngoại nên vẫn chấp nhận mua sử dụng. Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng vi phạm ngày càng đẩy mạnh hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động liên tực thay đổi gây nhiều khó khăn cho lượng kiểm tra trong việc phát hiện vi phạm.
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm hoạt động với hướng tinh vi, phức tạp, che dấu dưới nhiều vỏ bọc hợp pháp khó phát hiện.
Đại tá Nguyễn Hà Lai- Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, sau thời gian đóng cửa do dịch Covid-19, hiện nay các cửa khẩu, biên giới đã dần mở cửa, dự báo tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ ngày càng phức tạp. Tại tuyến biên giới đường bộ tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải, quả cảnh…để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trên tuyến biên giới đường bộ giữa Lào và Việt Nam qua đường mòn, lối mở tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đối tượng có thể lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Mặt khác, hiện nay, cặp cửa khẩu Nam Giang- Đắc Tà Ọoc đã nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, các cảng biển được đầu tư mở rộng các đường dây, đối tượng tội phậm có thể lợi dụng hoạt động, nhất là tội phạm về ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn biên giới…
Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các đơn vị- thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới, cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế; kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; kiểm soát chặt chẽ tình hình kinh doanh qua môi trường mạng. Nắm chắc tình hình, các đối tượng, nhất là những thủ đoạn, cách thức hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, để có phương pháp, cách thức đấu tranh hiệu quả. Chủ động tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, tạo ra sự khan hiếm giả tạo…
Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số, qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok…Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiếp tay, bao che; quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh.