Quảng Nam: Động lực nào cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2023?
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam được nhận định gồm 3 động lực chính đó là: đẩy mạnh đầu tư, phát triển công nghiệp và kích cầu tiêu dùng. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy cả ba động lực tăng trưởng nêu trên để đạt mục tiêu cao nhất.
Để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng còn lại và cả năm 2023, phấn đấu hoàn thành 15 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh đang tập trung giải quyết căn cơ các vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu với tinh thần khẩn trương, tranh thủ thời gian, tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra.
Tập trung mọi biện pháp để tăng tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, lấy đầu tư công kích hoạt đầu tư tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trước tiên cần tập trung tăng tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, lấy đầu tư công làm trọng tâm. Trước thực trạng thu hút đầu tư khó khăn như hiện nay và để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hết sức cần thiết nhằm tạo “vốn mồi” và hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; đồng thời thu hút, dẫn dắt các nhà đầu tư khác và nguồn lực khác giúp thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển trong dài hạn.
Ước tính nếu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với số tiền 9.256 tỷ đồng thì nền kinh tế tỉnh ước thu hút khoảng 33.500 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài khu vực Nhà nước và vốn đầu tư FDI. Khi đó ước tính sẽ thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt khoảng 25.600 tỷ đồng.
Quảng Nam luôn xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt. Hiện tại, tỉnh đang tập trung cho các dự án trọng điểm như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (1.848 tỷ đồng); Dự án thành phần 2 thuộc Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 - Võ Chí Công (956 tỷ đồng) … Bên cạnh đó, các dự án nhỏ nhưng có tác động lan tỏa lớn đối với nền kinh tế cũng được ưu tiên triển khai quyết liệt.
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh công bố, tính đến ngày 30/6/2023, vốn đầu tư công (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 1.903,891 triệu đồng, đạt 20,6%. Thông thường trong 6 tháng cuối năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng lên rất nhiều. Giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm thấp, tạo tâm lý e ngại, nhưng đây là xu hướng chung, do các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu sẽ rơi vào các quý III, IV và là yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế của tỉnh 6 tháng còn lại của năm 2023.
Điều đáng mừng là Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, quý II đã tăng 52% so với quý I/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 15,126 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư đạt được kết quả nhất định, đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới 07 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1,4 nghìn tỷ đồng, cấp mới 01 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD. Tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.101 dự án với tổng vốn đăng ký gần 220 nghìn tỷ đồng. Tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 194 dự án với tổng vốn đăng ký 6,1 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo. Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các Khu - Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về lâu dài, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, chú trọng thu hút đầu tư để phát triển kinh tế bền vững.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp, trọng tâm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Ngành công nghiệp của tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển trở lại, ước tính quý II/2023, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với quý I/2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%. Trong tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp đã có phần khởi sắc hơn những tháng đầu năm khi nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới. Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tháng 6/2023 tăng 23,1% so với tháng trước; trong đó, IIP ngành sản xuất xe có động cơ (+74,2%) cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi ngành công nghiệp ô tô.
Việc Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023, dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục là điểm sáng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán HĐND tỉnh giao (thu nội địa 9.910 tỷ đồng, đạt 47% dự toán; thu xuất nhập khẩu 1.715 tỷ đồng); được xếp vào nhóm các tỉnh thành có thu ngân sách cao, cụ thể, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, xếp vị thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (thu nội địa xếp vị thứ lần lượt là 1/5 và 2/14). Hiện tại, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,94% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, trong đó khu vực công nghiệp chiếm 23,96%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,92% cơ cấu GRDP, việc ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô dự kiến phục hồi những tháng còn lại của năm, các dự án đầu tư công triển khai mạnh mẽ, sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và tăng quy mô GRDP của tỉnh; dự báo thu ngân sách của tỉnh 6 tháng cuối năm 2023 dự kiến sẽ tăng và ước đạt kế hoạch dự toán năm 2023 HĐND tỉnh giao.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch
Song song với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch là một trong những giải pháp ưu tiên được UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cùng với khu vực nông - lâm - thuỷ sản, khu vực dịch vụ đã đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn và thu hẹp, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, UBND tỉnh đã tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, thúc đẩy đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa để cộng đồng doanh nghiệp, khu vực tư nhân khơi thông động lực phát triển.
Nhận định tình hình 6 tháng còn lại của năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội, UBND tỉnh đã sớm dự báo ngay từ đầu năm nên đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về đầu ra của sản phẩm, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch 6 tháng đầu năm tăng trưởng khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2023 ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 13,3 nghìn tỷ đồng (+6,5%; +11,7%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 34,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, tăng trưởng đáng kể cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế; ngành du lịch của tỉnh đã triển khai nhiều chương trình du lịch đặc sắc, phát triển và nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,56 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; gồm: khách quốc tế ước đạt 2.091 nghìn lượt khách, khách nội địa ước đạt 2.475 nghìn lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 10.810 tỷ đồng. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Việc Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Chính phủ cũng giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023, thực hiện gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, nhiều loại thuế, phí khác cũng được miễn, giảm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà phát triển trong những tháng cuối năm 2023.
Động lực tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam được nhận định và tập trung đẩy mạnh quyết liệt. Hơn nữa các chính sách của Trung ương đang hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển, đồng thời tỉnh cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp căn cơ trong chỉ đạo, điều hành; hy vọng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của HĐND tỉnh giao sẽ hoàn thành và đạt mức cao nhất, tiếp tục đem lại những điểm sáng cho bức tranh tăng trưởng kinh tế Quảng Nam./.