Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam trong 6 tháng cuối năm 2023
Kinh tế Quảng Nam trải qua 05 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Hoạt động đầu tư, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19, các thị trường truyền thống xuất khẩu bị thu hẹp,đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô, nhu cầu thị trường giảm sút, một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô hết hiệu lực những tháng đầu năm 2023, ngành du lịch, dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn…
Theo Tổng cục Thống kê về số liệu GRDP ước tính quý II và 6 tháng đầu năm 2023 cho các tỉnh, thành phố trên cả nước cho biết, tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 9,16% so với cùng kỳ năm 2022; tuy nhiên xét tổng thể bức tranh kinh tế của tỉnh, vẫn nổi lên nhiều gam màu sáng, dư địa cho tăng trưởng và thu ngân sách những tháng còn lại của năm 2023 dự báo sẽ khởi sắc và ước đạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội HĐND tỉnh giao.
Nguyên nhân chính của việc tăng trưởng kinh tế giảm như đề cập ở trên do năm 2022 thu ngân sách của tỉnh tăng đột biến và cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay; động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiều năm nay là khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nhưng một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô hết hiệu lực những tháng đầu năm 2023, bên cạnh đó, đối với một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhu cầu thị trường giảm sút, đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô dẫn đến tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng giảm sâu, khu vực dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, các dự án đầu tư công đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án…
Tuy tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP tỉnh Quảng Nam vẫn nằm trong nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, cụ thể, quy mô GRDP Quảng Nam xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố, xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
Về thu ngân sách, theo Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Nam thu ước đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, được xếp vào nhóm các tỉnh thành có thu ngân sách cao trong những năm gần đây (riêng 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Nam thu ngân sách 20,4 nghìn tỷ đồng; cả năm 2022 thu được 33,5 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước), cụ thể, xếp vị thứ 2/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (sau tỉnh Thanh Hoá), xếp vị thứ 1/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Quảng Nam nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ đóng góp về ngân sách Trung ương cao nhất cả nước (tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương năm 2023: 18%).
Tín hiệu tích cực 6 tháng cuối năm 2023
Nhưng những "nốt trầm" về kinh tế trongnhững tháng đầu năm 2023 có vẻ không còn "ngân" dài. Những kết quả đạt được về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua,các cơ chế chính sách điều hành của Chính phủ thuận lợi cho kinh tế phát triển,cộng với sựchỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã mang đến "nốt thăng" cho nền kinh tế của tỉnh, kỳ vọng sẽ có một giai điệu đáng mừng trong những tháng còn lại của năm 2023.
Cụ thể, các động lực chủ yếu tăng trưởng GRDP của tỉnh hiện tại đang dần phục hồi và phát triển tốt. Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch đang đà tăng trưởng khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cộng dồn 5 tháng đầu năm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022; tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tháng 5/2023 tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh ước tăng 123% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 595 nghìn lượt khách (gấp 29 lần). Hiện tại, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GRDP của tỉnh (chiếm 35,31%) nên dự kiến quy mô GRDP của tỉnh sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2023.
Việc Chính phủ sắp ban hành Nghị định theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng kể từ ngày 01/7/2023 đến hết năm 2023, dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục là điểm sáng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, tỷ trọng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,92% cơ cấu GRDP của tỉnh, nên dự báo thu ngân sách của tỉnh 6 tháng cuối năm 2023 dự kiến sẽ tăng và ước đạt kế hoạch dự toán năm 2023 HĐND tỉnh giao.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Công tác đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công luôn được tỉnh quan tâm và có dấu hiệu tích cực trong những tháng còn lại của năm 2023. Tính đến hết ngày 31/5/2023, kế hoạch vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 1.047.089 triệu đồng, đạt 15,2% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2023 tăng 15% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh những tháng còn lại của năm 2023 do phần lớn các dự án đã hoàn thành xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đang triển khai đầu tư dự án, hơn nữa thời tiết trong quý III đang mùa khô ráo, thuận lợi để đẩy nhanh thực hiện các dự án.
Hiện tại, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,94% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, trong đó khu vực công nghiệp chiếm 23,96%, việc ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô dự kiến phục hồi những tháng còn lại của năm, các dự án đầu tư công triển khai mạnh mẽ, sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và tăng quy mô GRDP của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng đã và đang được triển khai thực hiện quyết liệt. Việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước, hy vọng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Khả năng quy luật này tiếp tục diễn ra trong năm 2023 nhờ vào nhận diện đúng tình hình và công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Các lĩnh vực, động lực chủ yếu cho tăng trưởng GRDP của tỉnh đang dần phục hồi và tăng trưởng, các cơ chế chính sách của Chính phủ thuận lợi cho kinh tế phát triển, điều này có thể minh chứng cho bức tranh kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và là điểm sáng của bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm 2023./.