Phòng, chống thiên tai

Năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng

Huyền Chi 20/04/2023 21:12

Chiều ngày 20/4, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai-Chủ tịch Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ-Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.

Điểm cầu Quảng Nam.

Theo đánh giá tại hội nghị, thiên tai năm 2022 diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước. Trong năm đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai với 1.072 đợt, trận thiên tai, trong đó có 09 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 305 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 286 trận động đất; 191 vụ sạt lở bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 02 đợt rét hại và 02 đợt nắng nóng, hạn hán.Thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. 

Để khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết định hỗ trợ 1.800 tỷ đồng cho 28 tỉnh, thành phố.  Các địa phương đã ưu tiên, sử dụng nguồn lực ngân sách địa phương cho các hoạt động phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí 1.248 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã  xuất cấp hàng dự trữ quốc gia khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 với tổng giá trị 148 tỷ đồng, xuất cấp 4.171 tấn gạo cho 04 tỉnh. Bộ Nông nghiệp xuất cấp 02 tấn hạt giống rau, 3.996 tấn hạt giống lúa, 90 tấn hạt giống ngô, 80.000 liều vắc-xin, 500 tấn và 130.500 lít thuốc hoá chất sát trùng gia súc, gia cầm, thuỷ sản cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất sau thiên tai với tổng giá trị 146 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam, năm 2022, thời tiết thủy văn các địa phương trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, biến động lớn: Đợt mưa lớn cuối tháng 3 đầu tháng 4, mưa lũ liên tiếp trong tháng 10, rét lạnh kéo dài trong tháng 12. Do ảnh hưởng của 04 đợt thiên tai và dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng...của Nhà nước và nhân dân. Tổng ước tính thiệt hại khoảng 4.900 tỷ đồng.

 Tại hội nghị, trên cơ sở phân tích các giải pháp đã được đề ra cho năm 2023,  Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, linh hoạt và sáng tạo, xây dựng các kịch bản, xác định được những rủi ro để chủ động các giải pháp ứng phó. Cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành, đơn vị liên quan, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong triển khai nhiệm vụ. Công tác truyền thông cần được chú trọng hơn nữa để nâng cao nhận thức cộng đồng, để các cấp, ngành và người dân chủ động hơn trong triển khai giải pháp giảm thiểu thiệt hại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng và kịp thời triển khai các phương án; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Các địa phương cần ưu tiên bố trí kinh phí, trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

 

Huyền Chi