Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc tại tỉnh Quảng Nam về công tác dân tộc
Sáng ngày 21/4, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Quảng Nam về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện các Sở, ngành liên quan tiếp và làm việc với Đoàn.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong những năm qua và quý I năm 2023, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh ban hành 08 Nghị quyết và 01 Chỉ thị (kèm theo phụ lục số 01) ; Đối với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN, HĐND tỉnh ban hành 04 Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 11 quyết định; Các Sở, Ban, ngành chức năng ban hành 21 văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình.
Quảng Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Văn phòng điều phối cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2030. Ở huyện, 06 huyện có đông đồng bào DTTS đều thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Văn phòng điều phối cấp huyện. Đối với các huyện không có phòng Dân tộc đồng thời số xã, thôn thụ hưởng Chương trình ít, tiếp tục sử dụng Văn phòng nông thôn mới để tham mưu công tác thực hiện chương trình.
Năm 2022 tổng vốn giải ngân đến 30/01/2023 là 59.274/422.558 triệu đồng. Trong đó: vốn đầu tư 52.852 triệu đồng/279.381 triệu đồng, đạt 18,9%; vốn sự nghiệp giải ngân 6.422 triệu đồng/143.177 triệu đồng, đạt 4,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,04%; xây mới và sửa chữa 60 công trình các loại; thực hiện giao khoán, bảo vệ ổn định rừng tự nhiên cho nhân dân quản lý bảo vệ 4.037 ha.
Trong năm 2023, Quảng Nam được phân bổ vốn đầu tư phát triển: 425.561 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 487.461 triệu đồng. Toàn bộ vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp đã được thông qua HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân bổ cho cơ quan, đơn vị và địa phương để triển khai thực hiện năm 2023. Riêng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương bổ sung thực hiện dự án 3, dự án 10 (14.656 triệu đồng). Đến nay đã thông qua HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ vốn cho các địa phương thuộc vùng thụ hưởng chương trình trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện.
Tính đến 20/3, kết quả giải ngân quý I/2023 (vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023): hơn 20 tỷ đồng; trong đó: vốn đầu tư hơn 17,8 tỷ đồng, đạt 7,9%; vốn sự nghiệp: hơn 2,2 tỷ đồng, đạt 1,6%.
Tại cuộc họp, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam Alăng Mai cho biết, trong quá trình thực hiện, tỉnh gặp không ít những tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là các Bộ, ngành Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện các dự án 1, 2, 10 và tiểu dự án 1,2. Như vậy, nếu không sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thì tiếp tục nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và địa phương của 02 năm (2022 và 2023) sẽ không giải ngân được, theo quy định cuối năm nguồn vốn sẽ bị thu hồi và người dân là đối tượng chịu thiệt thòi, không được thụ hưởng chính sách từ chương trình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, phát triển KT-XH miền núi, vùng đồng bào DTTS là chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước. Nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chương trình, Quảng Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, miền núi chiếm 50% đơn vị hành chính, thường xuyên hứng chịu thiên tai, thiệt hại hơn về tài sản, con người; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo chiếm 25% tỷ lệ nghèo ở miền núi, riêng đồng bào DTTS chiếm 95% tỷ lệ nghèo. Bên cạnh đó, nguồn lực đối ứng để thực hiện vô cùng hạn hẹp, khó khăn. Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng hết các yêu cầu của Chương trình. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung quyết liệt khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Dịp này, đồng chí Lê Văn Dũng cũng đã kiến nghị một số nội dung như: Đề nghị Trung ương xem xét, đơn giản hóa các thủ tục trong thực hiện; phân cấp những nhiệm vụ phù hợp cho cấp tỉnh, huyện, thậm chí ở cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ khảo sát, nắm lại những nội dung đã triển khai trong 2 năm nay nhưng chưa đạt, đề nghị Trung ương điều chuyển nguồn kinh phí sang nội dung khác phù hợp với thực tiễn; hoãn thời gian cắt chính sách hỗ trợ đối với địa phương vừa thoát ra khỏi Khu vực III; có những chính sách hỗ trợ miền núi phát triển dược liệu quý, sâm Ngọc Linh,qua đó giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị đoàn công tác xem xét các kiến nghị của địa phương, sớm ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân đúng tiến độ mà tỉnh đặt ra là đến 30/6 hoàn thành 100% vốn 2022 chuyển sang, và 50% vốn 2023. Sau buổi làm việc này tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, triển khai hiệu quả Chương trình.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận những nỗ lực của Quảng Nam. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã cải thiện nhiều mặt đời sống của vùng đồng bào DTTS; kịp thời phân bổ nguồn vốn để các địa phương, sở ngành triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ. Đồng chí Hầu A Lềnh cũng lưu ý Quảng Nam trong quá trình triển khai các Chương trình, chính sách cần có sự trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; ưu tiên những dự án có mục tiêu rõ ràng, sát với thực tiễn. Đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục có chủ trương lãnh đạo sâu sát, HĐND, MTTQ tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện chương trình. Đối với các kiến nghị của địa phương, đoàn sẽ tiếp thu tổng hợp, tham mưu, trình Chính phủ xem xét giải quyết.