Bộ đội giúp dân thoát nghèo bền vững
Trong những năm qua, các cơ quan, ban ngành ở huyện miền núi Nam Trà My đã thường xuyên phối hợp và cùng đưa ra nhiều cách làm hay để có thể giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Họ cùng ăn, cùng ở và xắn tay vào làm cùng với hộ nghèo để bà con có được cuộc sống khấm khá hơn. Mô hình "Cán bộ Đảng viên đồng hành cùng người nghèo" của Ban chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My là một điển hình.
Khu vực đồi rẫy rộng gần 01 ha của gia đình anh Hồ Văn Tỉ ở tại thôn 1, xã Trà Vân huyện Nam Trà My nhiều năm nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, một phần nhỏ anh chỉ trồng lúa rẫy và vài trăm gốc sắn. Mặc dù đất đai rất màu mỡ, nhưng do thiếu vốn, thiếu định hướng làm ăn nên gia đình anh Tỉ mãi quanh quẩn với đói nghèo. Thành ra rất lãng phí tư liệu sản xuất.
Năm nay, được sự vận động, giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, gia đình anh Tỉ quyết định vay vốn ưu đãi của nhà nước để trồng 10 nghìn gốc quế Trà My xen canh với sắn, quyết tâm thoát nghèo.
“Mấy năm qua gia đình tôi trồng cây lúa rẫy nên hiệu quả chưa cao lắm. Giờ ngân hàng cho vay vốn 80 triệu, có các chú bộ đội lên giúp cách trồng cây, chăm bón nên quyết tâm chăm sóc quế này lớn để có thu nhập cho gia đình. Mình không thể nghèo mãi như thế này được” – anh Tỉ tâm sự.
Gia đình anh Tỉ là một trong 5 hộ nghèo của xã Trà Vân được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My nhận giúp đỡ năm 2023. Đơn vị đã xây dựng mô hình “Cán bộ Đảng viên đồng hành cùng người nghèo”, huy động 40 cán bộ, chiến sĩ đến trực tiếp trồng 5.000 gốc quế và theo dõi, hỗ trợ chăm sóc cây trong suốt 3 năm đầu tiên.
Ngoài nguồn lực của mình, đơn vị này còn được sự tiếp sức tích cực từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My thông qua việc hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 của Chính phủ. Chính sự kết hợp này đã tạo thành cơ sở vững chắc để hai cơ quan, đơn vị của nhà nước đồng hành giúp đỡ hộ nghèo.
Trung tá Nguyễn Hồng Trung, Chính trị viên phó – Ban CHQS huyện Nam Trà My, cho biết: Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả, cụ thể cán bộ đảng viên xuống trực tiếp cùng ăn, cùng ở cùng làm với người dân, hi vọng đây là việc làm hết sức quyết liệt, hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Hiện nay, định hướng của huyện Nam Trà My là tập trung vận động nhân dân hạn chế làm lúa rẫy do kém hiệu quả mà ảnh hưởng tới môi trường rừng. Thay vào đó, huyện khuyến khích nhân dân tận dụng đất nương rẫy cũ để trồng cây sắn cao sản xen canh với cây quế giống gốc Trà My. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thuận tiện nên nhiều gia đình thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng từ việc bán sắn củ.
Riêng đối với cây quế, chỉ cần chăm bón khoảng 5 năm là có thể bán cành, lá và sau vài năm là bán vỏ để tăng thu nhập gia đình. Cùng với đó thông qua mô hình trồng quế cũng sẽ giúp cho việc phủ xanh đất trống, đồi trọc, hạn chế sạt lở đất.
Qua việc duy trì và phát huy phong trào cán bộ giúp dân thoát nghèo bền vững đã góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo tại huyện Nam Trà My. Nhiều gia đình không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Nhờ được định hướng, sự giúp đỡ trực tiếp, nhiệt tình, lâu dài của cán bộ, chiến sĩ và nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời, các hộ đồng bào thiểu số nghèo ở Nam Trà My sẽ có thể khai phá được tiềm năng, lợi thế của tự nhiên để phát triển kinh tế, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu từ chính sức lực của mình. Giúp huyện Nam Trà My nhanh chóng thoát khỏi danh sách các huyện nghèo nhất nước.