Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Quảng Nam phấn đấu vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Đề án 06

V.T 29/09/2023 09:43

Đó là một trong những mục tiêu được tỉnh Quảng Nam chú trọng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số tỉnh và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh vừa diễn ra vào chiều ngày 28.9. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp.

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo từ Sở Nội vụ, trong 9 tháng năm 2023, các sở, ngành đã tham mưu ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật (11 Nghị quyết và 14 Quyết định) kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh.

Đến nay, Quảng Nam đã hoàn thành kho dữ liệu của Tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, kết nối dữ liệu với Kho Cổng dịch vụ công quốc gia. So với các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023, đến nay đã hoàn thành 32/43 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 74.41%.

Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho người đứng đầu các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giải quyết 57 thủ tục hành chính; ủy quyền cho các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giải quyết 134 thủ tục hành chính; ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết 06 thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; ủy quyền cho người đứng đầu các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Hoàn thành 8/10 kết nối theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Tính đến ngày 25/9, có 50.156 lượt tải cài đặt Smart Quảng Nam; đối với ứng dụng egov Quảng Nam: 2601 lượt.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại cuộc họp.

Bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đến nay có 29 dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu qua LGSP, kết nối các hệ thống như các cơ sở dữ liệu của Trung ương, các cơ sở dữ liệu của tỉnh (Qoffice, một cửa điện tử, cơ sở dữ liệu Cán bộ, công chức, hệ thống IOC tỉnh, Smart, egov Quảng Nam). Tổng số giao dịch từ đầu năm 2023 đến nay là 253.527.962 giao dịch, tỷ lệ thành công 99,8%. 

Đối với Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông (1) Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; (2) Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

100% các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. 

Đến nay đã đạt hơn 79% chỉ tiêu cài đặt, kích hoạt VNeID và nhiều giải pháp đang được gấp rút triển khai nhằm tăng tốc các nhiệm vụ liên quan Đề án 06. 

Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam thông tin, Công an tại một số địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả trong công tác hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử như: Công an các huyện Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Hội An.

“Các đơn vị đã phối hợp với ngành giáo dục, các trường Trung học phổ thông chọn học sinh cùng nơi thường trú với số công dân cần kích hoạt tài khoản để hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt và kích hoạt tài khoản cho công dân ở nơi cư trú và chọn ngày Chủ nhật hàng tuần trở thành “Ngày tạo lập, kích hoạt tài khoản định danh điện tử”” - Thượng tá Nguyễn Thành Nhân cho biết thêm.

 

Đặt mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc họp cũng đã phân tích, làm rõ những mặt còn hạn chế trong Cải cách hành chính, Chuyển đổi số tỉnh và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 như: Tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, xử lý chậm vẫn còn nhiều tại cấp huyện, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai. Bộ phận một cửa một số xã nhập không đầy đủ, hoặc không nhập quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa, dẫn đến việc thống kê tình hình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh không đảm bảo tính chính xác...

Đại tá Hồ Song Ân – Phó Giám đốc Công an tỉnh đề xuất giải pháp thời gian tới.

Liên quan đến thực hiện Đề án 06, Đại tá Hồ Song Ân – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Quảng Nam phấn đấu hết năm 2023 lọt vào nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đối với việc cài đặt, kích hoạt VNeID. “Đẩy nhanh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử của Đề án 06 vào điều hành kinh tế - xã hội và các ứng dụng khác cho người dân. Quan trọng nhất là người dân phải thực sự thấy hiệu quả của Đề án 06” - Đại tá Hồ Song Ân nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu, thời gian tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân viên các sở, ban ngành và các địa phương phải đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản VNeID. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vận động người dân sử dụng tài khoản VNeID, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

“Đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang phải xung kích tuyên truyền, vận động người thân, công dân tại nơi làm việc và cư trú sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ thủ tục hành chính thay thế cho hình thức nộp trực tiếp” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị.

Liên qua đến Đề án triển khai cơ chế giao cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 2114 ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, ngành bưu điện cần quan tâm bố trí nhân sự “cứng” để đảm nhận công việc này.

“Ít nhất nhân viên bưu điện phải thực hiện công việc này 3 năm trở lên, nếu cứ thay đổi nhân sự liên tục thì nhân sự mới sẽ mất thời gian thích nghi công việc, dẫn đến việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không đảm bảo” – Ông Nguyễn Thanh Hồng nói thêm.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu trong 3 tháng cuối năm 2023, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát các nhiệm vụ đã được giao đầu năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành dứt điểm đối với những nhiệm vụ đã được phân công, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc. Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương giải quyết vấn đề tồn đọng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính.

“Các tổ chức, hội, đoàn thể, sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh phải quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh trong công tác phối hợp thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

V.T