Nam Trà My quyết tâm thành vùng dược liệu trọng điểm
Tận dụng lợi thế đặc thù về khí hậu, thổ những, huyện Nam Trà My đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hình thành vùng trọng điểm sản xuất dược liệu của tỉnh Quảng Nam. Trong đó, sâm Ngọc Linh sẽ là cây tiên phong và cùng với quế, sâm nam, giảo cổ lam, dổi rừng... tạo nên sự đa dạng về vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm.
Nhờ có khí hậu mát mẻ, diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 70% nên rất nhiều loài dược liệu quý sinh trưởng ở Nam Trà My. Từ chỗ chỉ thu hái ngoài thiên nhiên, với sự hỗ trợ định hướng từ chính quyền, người dân đã hình thành nên những khu vườn dược liệu rất đa dạng, phong phú. Đối với sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng giao thông vùng sâm để tạo điều kiện cho việc phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, có hơn 500 hộ dân tại 6 xã gồm Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Tập đã đưa sâm Ngọc Linh vào trồng dưới tán rừng với diện tích hơn 2.000ha. Huyện đã thu hút được 15 doanh nghiệp đăng ký trồng, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh với diện tích 1.000ha; 01 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến dược liệu và hàng nông sản ngay tại xã Trà Don. Đây chính là động lực để việc hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung, quy mô lớn và là tiền đề để phát triển ngành công nghiệp dược liệu, mỹ phẩm... Huyện còn phát triển mở rộng trại sâm giống Tắk Ngo với diện tích 100ha để cung ứng 50 -100 nghìn cây/năm phục vụ việc đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu tại các xã được quy hoạch, đồng thời khuyến khích người trồng sâm tự lập vườn ươm giống cung ứng cho thị trường với sản lượng mỗi năm đạt hơn 800 nghìn cây giống. Và mục tiêu mà Nam Trà My đặt ra là mỗi năm sẽ tăng từ 10 đến 15 ha vườn sâm tại vùng quy hoạch. Qua khảo sát từ các phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng và hoạt động giao thương trong nhân dân, mỗi tháng từ Nam Trà My đã cung ứng ra thị trường hơn 70kg sâm củ tươi, với giá bình quân từ 55 triệu đến 230 triệu đồng/1kg. Tuy nhiên tình trạng cung không đủ cầu diễn ra liên tục do nhu cầu tiêu thụ sâm tăng quá mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hình thành hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm như Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước uống Sâm Ngọc Linh, mật ong Sâm Ngọc Linh, rượu diệp linh sâm, dung dịch uống Sâm Ngọc Linh, viên ngậm Sâm Ngọc Linh... Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự phát triển sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp và người dân địa phương, sản lượng sâm hàng năm có thể lên đến 10 tấn, tương đương với giá trị là 420 – 600 tỷ đồng/năm. Sau năm 2030, sản lượng dự kiến đạt khoảng 30 tấn để tạo ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao như Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm cung ứng như cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đối với các loài cây dược liệu thì huyện Nam Trà My chú trọng vận động nhân dân trồng cây bản địa cho giá trị kinh tế cao. Riêng cây quế gốc Trà My hiện toàn huyện đang phát triển hơn 6.000ha với số lượng hơn 4 triệu cây, mỗi năm cung ứng hơn 1 tấn quế vỏ ra thị trường. Hiện tại huyện đã thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu đặt tại xã Trà Dơn nên nguồn nguyên liệu cành, lá, thân quế cũng được tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân. Còn lại các loài dược liệu đặc hữu như sâm nam, giảo cổ lam, đương quy, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây, khổ qua rừng ... đang được bà con sống dưới sườn núi Ngọc Linh phát triển chuyên canh theo quy mô lớn với tổng diện tích đạt hơn 1.000ha. Điển hình như mô hình trồng sâm nam tập trung của bà con tại thôn 1 Trà Linh, thôn 3 Trà Cang cho doanh mỗi năm hơn 100 triệu đồng/hộ. Để từng bước giúp người dân nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thì huyện Nam Trà My cũng khuyến khích đăng ký sản phẩm OCOP. Đến nay toàn huyện đã có 14 sản phẩm được công nhận 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao cùng với 6 sản phẩm đang đề nghị công nhận, đa phần là về sản xuất, chế biến dược liệu.
Mục tiêu của Nam Trà My đề ra đó là tập trung tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững. Đặc biệt là dựa trên việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh. Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ít nhất 10% theo cơ cấu ngành nông – lâm nghiệp 35 – 40%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 30 – 35%, dịch vụ – thương mại 25 – 30%.
Với sự vào cuộc quyết liệt của huyện và chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác của người dân, vùng dược liệu trọng điểm Nam Trà My chắc chắn sẽ đổi thay một cách mạnh mẽ trong thời gian không xa nữa. Những vườn sâm Ngọc Linh, vườn dược liệu quý sẽ góp phần nâng tầm sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp cho nhân loại toàn cầu và giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My vươn lên thoát nghèo bền vững./.