Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
Ngày 20/10, UBND tỉnh có Quyết định 2270/QĐ-UBND ban hành Đề án “Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển sản xuất và chế biến Sâm Ngọc Linh trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi; gắn việc sản xuất Sâm Ngọc Linh với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, phát huy bản sắc, văn hóa bản địa tại địa phương.
Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây Sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên. Phát triển sản xuất giống cây Sâm Ngọc Linh đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất.
Hoàn thành việc rà soát, đánh giá quỹ đất, loại rừng phù hợp để trồng Sâm Ngọc Linh đảm bảo theo các quy định, tích hợp vùng trồng vào Quy hoạch của tỉnh. Xây dựng và phát triển vùng sản xuất Sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến Sâm Ngọc Linh, là sản phẩm chủ lực để phát triển Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.
Huy động nhiều nguồn lực đầu tư (đặc biệt là đầu tư/xã hội hóa) để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Thu hút ít nhất 05 doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình Du lịch sâm gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng tại vùng sâm Ngọc Linh.
Xây dựng, ban hành Quy chế, hệ thống phần mềm quản lý hoạt động trồng, sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh để đảm bảo an ninh sâm và thương hiệu.
Xây dựng bộ nhận diện (logo) Sâm Ngọc Linh chính hiệu để phát hành rộng rãi cho toàn dân.
Tổ chức ít nhất 02 Hội thảo khoa học, 02 Hội thảo thương mại tầm quốc gia, quốc tế về Sâm Ngọc Linh. Đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương thống nhất chọn “Ngày dùng sâm Việt Nam” để tôn vinh giá trị Sâm Ngọc Linh.
Xây dựng các tuyến du lịch kết nối các địa phương từ vùng thành phố, đồng bằng đến vùng trồng, chế biến Sâm Ngọc Linh nhằm phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh vùng trồng Sâm.
Đến năm 2030 8, tiếp tục đầu tư nâng cấp 02 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc Sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh - thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu và Trại sâm Tắk-Ngo - thuộc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Quy mô sản xuất đạt 500.000 cây giống/năm vào năm 2030.
Hỗ trợ đầu tư, hình thành khoảng 50 - 100 vườn Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; hằng năm sản xuất được 10 - 20 triệu cây giống Sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi/năm, kể cả cây giống do 02 đơn vị bảo tồn sản xuất.
Hoàn thiện 01 bộ quy trình hướng dẫn về sản xuất cây giống; quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế và bảo quản cây Sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn của GACP - WHO3 phù hợp với địa phương trên cơ sở Bộ Tiêu chuẩn quốc gia; cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ; thẩm định, cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng; lập hồ sơ quản lý cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng đối với diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện để quản lý, truy suất nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm theo quy định.
Phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích đạt 8.400 ha, phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn Sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm).
Phấn đấu 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP - WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Xây dựng, phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của các nước xuất khẩu; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ Sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.
Thu hút từ 100 - 150 tổ chức đầu tư: Phát triển sản xuất Sâm giống; trồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, trong đó có 50% cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn GMP - WHO4.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc tạo điều kiện cho việc liên kết phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh. Xây dựng bảo tàng Sâm Việt Nam tại xã Trà Linh nhằm giúp du khách thăm quan, tìm hiểu về Sâm Ngọc Linh.
Hằng năm, phát động cuộc thi “Sáng tác văn học, nghệ thuật, âm nhạc về sâm” mang tầm quốc gia để quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh; tổ chức giới thiệu “Văn hóa Sâm” tại quận Hamyang - Hàn Quốc. Đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh đi trưng bày tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế.
Đến năm 2045, tiếp tục duy trì, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu. Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (khoảng 50% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP - WHO). Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân.
Theo đó, Đề án được triển khai thực hiện tại huyện Nam Trà My và các huyện có điều kiện sinh thái phù hợp, trồng được cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện cụ thể qua các giai đoạn: Giai đoạn I, từ năm 2023 đến hết năm 2025; giai đoạn II, từ năm 2026 đến hết năm 2030, giai đoạn III, từ năm 2031 – 2045.
File đính kèm: Quyết định; Đề án.