Tọa đàm kết nối sinh viên với công tác bảo tồn động vật hoang dã
Vừa qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và Trường Đại học Quảng Nam tổ chức Tọa đàm ‘Kết nối sinh viên với bảo tồn động vật hoang dã’.
Sự kiện được thực hiện với sự hỗ trợ từ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm mục đích Nâng cao nhận thức và hiểu biết của sinh viên/thanh niên về đa dạng sinh học và động vật hoang dã; các nguy cơ liên quan đến các hoạt động săn, bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của ngành giáo dục vào công tác giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trái phép.
Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người. Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng tăng, việc này đã đẩy nhiều loài ĐVHD đến bên bờ tuyệt chủng và ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học. Những hoạt động săn bắt, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp này không chỉ là mối đe dọa trực tiếp đến ĐVHD và đa dạng sinh học mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Thêm vào đó, những cá nhân hay tổ chức có hành vi xâm hại ĐVHD hay sản phẩm ĐVHD trái phép còn có nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.
Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF-Việt Nam thực hiện trong năm 2021 cho thấy, ba nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20 – 49. Đáng chú ý, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 – 29 ở khu vực thành thị lại chiếm tỉ lệ khá cao và 50% số người trong nhóm khách hàng 20-29 là đang đi học, có khả năng tham gia vào chuỗi tiêu dùng.
Những người trẻ tuổi, bao gồm thanh niên và sinh viên, cũng có nguy cơ trở thành người tiêu dùng thịt ĐVHD tiềm năng nếu không được cảnh báo sớm. Thêm vào đó, nhóm người trẻ tuổi đóng vai trò quan trọng đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động chính các bạn cùng thế hệ và các thế hệ trẻ khác về vai trò của đa dạng sinh học đối với sự tồn vong của loài người và sự phát triển bền vững đất nước để từ đó hướng tới việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của USAID, thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, WWF-Việt Nam cùng với các đối tác đã và đang đồng hành triển khai các chương trình, sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm hoàn thiện khung chính sách và thực thi chính sách liên quan, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ở các vùng đệm của các vườn quốc gia và khu bảo tồn, cũng như tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phầm từ động vật rừng và chim hoang dã.
Trong khuôn khổ sự kiện, hơn 200 giảng viên và sinh viên trường Đại học Quảng Nam đã nhiệt tình trao đổi và bày tỏ sự sẵn sàng để chung tay bảo tồn các loài động vật hoang dã sau khi nhận thức được tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã đối với việc giữ gìn hệ sinh thái và bảo vệ sự phát triển bền vững.