Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở bị hư hại hoàn toàn do thiên tai
UBND tỉnh vừa ban hành Quy định về nội dung chi, mức chi và nhiệm vụ thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Nam.
Trong đó, quy định cụ thể mức chi hỗ trợ sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế, thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán: 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ 120.000 đồng/ngày/người đối với lực lượng được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai nhưng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (nếu được huy động ban đêm tính mức hỗ trợ gấp đôi).
Về chi cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, mức hỗ trợ không quá 100.000 đồng đối với cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; cứu trợ khẩn cấp về sách vở, phương tiện học tập: Mức hỗ trợ không quá 200.000 đồng/học sinh.
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức 60.000.000 đồng/hộ và khả năng cân đối của Quỹ. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức 30.000.000 đồng/hộ và khả năng cân đối của Quỹ.
Hỗ trợ tu sửa cơ sở y tế, trường học, tu sửa nhà kết hợp làm địa điểm sơ tán phòng tránh thiên tai: Mức hỗ trợ theo đánh giá thiệt hại thực tế, tối đa 50.000.000 đồng/công trình và khả năng cân đối của Quỹ. Hỗ trợ xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai: Mức hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng/xã và khả năng cân đối của Quỹ.
Ngoài ra, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐUBND ngày 05 tháng 02 năm 2018 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ, các văn bản khác có liên quan và khả năng cân đối của Quỹ…
UBND tỉnh phân bổ Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh cho UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện) và UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) như sau: UBND cấp xã giữ lại 28% số thu trên địa bàn để hỗ trợ: chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu là 5%; chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ là 3% và chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp xã là 20%. Số tiền thu Quỹ còn lại (72% số thu trên địa bàn) nộp vào tài khoản Quỹ ở cấp huyện do UBND tỉnh ủy quyền. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III theo phê duyệt của cấp thẩm quyền, UBND tỉnh phân bổ tối thiểu cho UBND xã bằng số tiền của cấp xã (trừ các xã nêu trên) được phân bổ thấp nhất.
UBND cấp huyện giữ lại 23% số thu trên địa bàn (bao gồm cả số thu của cấp xã nộp về) để chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp huyện là 20% và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ là 3%. Số tiền còn lại (77% số thu trên địa bàn) nộp vào tài khoản của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh.
Sau khi báo cáo quyết toán kinh phí được phê duyệt, UBND tỉnh phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện thu hồi khoản phân bổ (phần giữ lại của UBND cấp xã và cấp huyện) nếu còn dư và nộp vào tài khoản của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh hoặc quyết định phân bổ khi nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp xã đã sử dụng hết. Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh chỉ hỗ trợ cho UBND cấp huyện khi UBND cấp huyện đã sử 5 dụng hết nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai và phần đã giữ lại của địa phương.
File đính kèm: Quy định.