Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Triển khai các họat động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU

Thanh Hùng 05/09/2023 15:54

Ngày 5/9, Sở NN&PTNT ban hành công văn đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan, các địa phương triển khai các họat động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU.

 

Ảnh minh họa.

Ngày 16/5/2023, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Đây là quy định mới nhất của Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng; là biến chuyển xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng EU. 

EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. Thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). 

Để thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, triển khai thực hiện Văn bản số 5179/BNN - HTQT ngày 01/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5269/UBND-KTN ngày 08/8/2023, Sở Nông nghiệp và PTTN đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung, phối hợp triển khai một số nội dung sau: 

Tuyên truyền, phổ biến quy định không gây mất rừng (EUDR) đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng có liên quan. 

Phổ biến và nhân rộng cách tiếp cận cảnh quan phục vụ canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội. 

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; tăng cường công tác tuần tra, giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng. Chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn phối hợp các cơ quan chuyên môn ở tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng tự nhiên và vùng trồng; rà soát và thống nhất bản đồ thực địa; chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ địa chính. Dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp, từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững… Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR. 

Chi cục Kiểm lâm: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, các Chi cục: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y xây dựng Kế hoạch hoạt động thích ứng với EUDR chung trên địa bàn tỉnh. Tăng cường triển khai công tác bảo vệ rừng, giám sát biến động rừng, kiểm kê theo dõi diễn biến rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ hiện trạng rừng. Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị các mặt hàng gỗ và lâm sản. Phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng đối với các ngành hàng gỗ, lâm sản và cao su bị ảnh hưởng bởi EUDR.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động thích ứng với EUDR đối với ngành hàng nông sản; đồng thời phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xây dựng Kế hoạch chung trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT Xây, các Công ty cao su xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng; xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn định vị của từng vườn đối với các ngành hàng nông sản bị ảnh hưởng bởi EUDR. Chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ địa chính. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động thích ứng với EUDR đối với ngành hàng chăn nuôi; đồng thời phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xây dựng Kế hoạch chung trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị các mặt hàng ngành chăn nuôi. Triển khai việc chăn nuôi đảm bảo chấp hành đúng quy định về bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các dự án chăn nuôi, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết được Chính phủ phê duyệt. 

Các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ: Tăng cường công tác vệ và phát triển rừng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phá rừng dẫn đến mất rừng trên phận được giao. Thực hiện công tác giám sát biến động rừng, kiểm kê theo dõi diễn biến rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ hiện trạng rừng lâm phận quản lý. Xây dựng, triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý rừng bền vững, trong đó có kế hoạch quản lý, phát triển lâm sản ngoài gỗ và các hoạt động dịch vụ cho cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng đệm, thông qua việc sử dụng, khai thác lâm sản phụ bền vững dưới tán rừng đảm bảo đúng theo quy định.

Thanh Hùng