Thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bác Hồ trong lòng đồng bào vùng cao Quảng Nam

HT 23/10/2023 21:12

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đồng bào các dân tộc ít người ở Việt Nam. Năm 1946, tại Đại hội các dân tộc miền Nam tổ chức tại Tây Nguyên, Bác đã viết thư căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Với đồng bào các dân tộc vùng cao ở Quảng Nam, nhiều người chưa một lần gặp Bác Hồ nhưng tình cảm, tấm lòng của họ dành cho Bác thì vẫn đong đầy suốt theo chiều dài phát triển của đất nước, trong đó có việc mang họ Hồ.

Được đứng vào hàng ngũ bộ đội cụ Hồ là niềm vinh dự rất lớn của thanh niên vùng cao Quảng Nam

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Nam Trà My có hơn 300 em học sinh là nười đồng là bào Ca Dong, Xơ Đăng, Bh’Noong và Kor. Phần lớn các em đều mang họ Hồ. Theo các nhà nghiên cứu, bà con đồng bào dân tộc ở Trường Sơn mang họ Hồ từ sau cách mạng Tháng Tám. Đây còn là cách để ghi nhớ công ơn to lớn đối với Bác Hồ, Người đã dành cả cuộc đời để đã hy sinh cho đất nước, cho nhân dân.

Ông Hồ Văn Ny là người Xê Đăng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nam Trà My là căn cứ địa cách mạng, là nơi đáng chân của Liên khu ủy và Ban quân sự Khu 5. Bộ đội ta luôn được đồng bào tin yêu, che chở, đùm bọc để bám trụ kháng chiến. Với tình yêu son sắt, một lòng thủy chung theo với Đảng, theo Bác Hồ nên ai ai cũng mang họ Hồ để tỏ lòng kiên trung.

Chính vì vậy, ở huyện Nam Trà My có khoảng trên 80% dân số đều mang họ Hồ để tỏ lòng kính yêu đối với Bác.  Ông Lê Minh Thắng - Trưởng phòng dân tộc huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết, trước đây, đồng bào dân tộc mình không có họ mà chỉ có tên để gọi nhau thôi. Khi có Bác Hồ, bà con hầu như lấy toàn họ Hồ hết. Đồng bào Nam Trà My và các huyện miền núi trong tỉnh, đa số đều mang họ Hồ là chủ yếu.

Gia đình ông Bling Bay ở xã Lăng huyện Tây Giang thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ

Còn tại huyện biên giới Tây Giang, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Ở đây, hầu như ít người được gặp bác Hồ. Ông Bling Bay ở xã Lăng là một trong những người có uy tín được ra thăm lăng Bác cách đây 10 năm. Với đồng bào vùng biên như ông Bay, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng dành một không gian trang trọng nhất của căn nhà để đặt ảnh thờ Bác Hồ, tưởng nhớ công ơn to lớn của vị cha già dân tộc. Những ngày lễ hay Tết, bà con thắp nén nhang để tưởng nhớ, khắc ghi công ơn của Bác đã dành cho nhân dân, cho đất nước.  

“Cứ đến ngày quốc khánh 2/9, bà con Cơ Tu đều thắp hương tưởng nhớ Bác. Bác Hồ là vị lãnh tụ luôn ở trong tim của nhân dân. Nhớ ơn đến Bác, vị lãnh tụ đã giành độc lập cho đất nước, cho nhân dân nên rất biết ơn” – ông  Bling Bay cho biết.

Không riêng gì đồng bào bản địa vùng núi Quảng Nam mà ngay cả đối với bà con người Mường ở tỉnh Hòa Bình di cư đến huyện Bắc Trà My thì trong suy nghĩ và lao động đều nhớn ơn Bác Hồ. Đối với người dân nơi đây, trên hành trình lập nghiệp ở vùng đất mới, việc học tập và làm theo Bác đã giúp mọi người khắc phục gian khó, vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. Hiện nay tại làng Mường ở xã Trà Giang huyện Bắc Trà My, bên trong phòng khách của mỗi gia đình đều đặt trang trọng di ảnh Bác Hồ, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Bác. 

Đặc biệt, hằng năm cứ vào dịp lễ quốc khánh 2/9, đồng bào Mường ở đây thường tổ chức đón Tết Độc lập cũng là ngày giỗ của Bác Hồ rất trang trọng. Vào ngày giỗ của Bác, mọi người trong thôn dù có đi làm ăn ở xa đều cố gắng trở về bên gia đình, cùng nhau làm mâm cơm dâng lên Bác. Sau đó, mọi người đến nhà nhau thăm hỏi, chúc tụng như trong dịp Tết cổ truyền. Còn trong ngày sinh nhật Bác 19/5, mỗi gia đình trong thôn đều treo cờ Tổ quốc để tưởng nhớ công ơn Bác Hồ.

Ông Sơn - một già làng uy tín tại Nam Trà My thờ di ảnh Bác Hồ tại gia đình

Các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng đồng bào thiểu số cho rằng, Bác Hồ không chỉ mang lại độc lập, tự do cho dân tộc mà chính những lời dạy của Bác đã thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn kết máu thịt giữa các dân tộc anh em. Chính sự đoàn kết đó đã tạo nên một sức mạnh của cả dân tộc để xay dựng quê hương ngày càng phát triển tươi sáng hơn. 

Là những người mang họ Hồ, nguyện là con cháu Bác Hồ, luôn ghi nhớ học tập theo tấm gương Bác, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, giảm dần hộ nghèo. Cuộc sống bà con có nhiều đổi thay nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tấm lòng, tình cảm sắt son của hàng triệu đồng bào dân tộc anh em  đối với công ơn to lớn của Bác Hồ - Vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam./.

 

HT