Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Chương trình MTQG giúp đồng bào miền núi phát triển

HT 12/09/2023 16:27

Ưu tiên nguồn lực, chăm lo cho đồng bào dân tộc ở miền núi khó khăn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới…được thực hiện khá quyết liệt trong thời gian qua. Qua đây từng bước góp phần làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng khó khăn.

 

Bà Đào Thị Thanh chăm sóc vườn cây ăn quả được hỗ trợ từ chưong trình MTQG

Từ chương trình Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc và miền núi của tỉnh Quảng Nam, gia đình bà Đào Thị Thanh ở xã Trà Sơn huyện Bắc Tà My đã được hỗ trợ cây giống để trồng 5 héc ta cây ăn quả như mít, xoài, cam, bưởi... Nhờ nghị lực quyết tâm thoát nghèo, mô hình kinh tế trang trại này đã từng bước thay thế mô hình sản xuất kém hiệu quả và manh muốn như trước đây. 

Tôi trồng cây ăn quả lâu niên tôi thấy chất lượng hiệu quả kinh tế cao hơn. Thu nhập cho gia đình tốt hơn và cải thiện môi trường. Mình trồng cây sẽ giữ được nguồn nước và không bị sạt lở đất” – bà Thanh cho biết.

Đối với vùng núi cao, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam xác định phát triển dược liệu là chiến lược bền vững lâu dài để giúp bà con đổi thay cuộc sống. Trong đó sâm Ngọc Linh được xem là trọng tâm để giảm nhanh hộ nghèo ở vùng núi cao. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam có chủ trương gieo ươm, hỗ trợ hàng vạn cây sâm giống cấp cho bà con. Cũng từ chương trình này mà chỉ sau 5 năm, diện tích trồng sâm từ 100 héc ta nay đã mở rộng lên 2.600 héc ta. Từ chỗ vài trăm hộ đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Linh trồng được sâm thì nay đã di thực ra 7 xã thuộc huyện Nam Trà My với 1500 hộ và tỉnh Quảng Nam cũng cho di thực trồng thử nghiệm tại 4 huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng khác. Theo đó, đối với cây giống sâm Ngọc Linh mỗi hộ đồng bào thiểu số được hỗ trợ tối đa không quá 300 cây và phải đối ứng 20% giá trị cây giống theo đơn giá nhà nước phê duyệt.

“Chúng tôi tập trung thu hạt gieo ươm tạo cây cây giống để cấp cho người dân theo chương trình của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Từ đó cung ứng giống sâm Ngọc Linh chất lượng cho người dân trên trồng theo theo quy hoạch của tỉnh để thoát nghèo” - Ông Trần Út - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Ông Trần Út (bên trái) và ông Trần Duy Dũng kiểm tra cây sâm giống 1 năm tuổi chuẩn bị cấp cho nhân dân

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2011-2025, dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Nam hơn 2.100 tỷ đồng. Các tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia như giáo dục, y tế, nước sạch, giao thông cũng đã phát huy hiệu quả rõ rệt để thay đổi đời sống bà con. Từ nguồn đầu tư đúng trọng điểm này mà đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam đã thay đổi căn bản. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia thực sự là đòn bẫy quan trọng để đồng bào miền núi có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững. 

“Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ như Nghị quyết 88, chương tình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đã đầu tư toàn diện. Vì vậy mà tỷ lệ hộ ngèo trên địa bàn huyện Nam Trà My hằng năm giảm được từ 7% đến 8%” – Ông Dũng thông tin thêm.

Không chỉ góp phần thay đổi cuộc sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng núi mà các chương trình mục tiêu quốc gia còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn. Nhất là hệ thống điện – đường – trường – trạm đã được đầu tư đồng bộ, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân và nâng cao mức hưởng thụ cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Qua quá trình thực hiện cho thấy, việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn miền núi đã tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ giảm hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam đạt hơn 10%, thay vì 3% như kế hoạch. Hầu hết các chỉ tiêu trong các Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra trong gần 3 năm qua đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở khu vực miền núi vẫn đang gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. UBND tỉnh đang vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo tháo gỡ.

 

HT