Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam
Chiều nay 10/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề: “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, phục vụ Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và Giám đốc Sở TT-TT Phạm Hồng Quảng đồng chủ trì.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng CNTT, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được đầu tư, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; bước đầu đã hình thành được nền tảng phục vụ phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, năm 2022, Quảng Nam xếp vị thứ 31/63. Kết quả này đã phản ánh được sự nỗ lực của tỉnh Quảng Nam về chuyển đổi số trong thời gian qua.
“Hội thảo lần này là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong chuyển đổi số, giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển dữ liệu số, cũng như đưa ra chiến lược phát triển dữ liệu số của tỉnh”, ông Bửu nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe Viện chiến lược Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về chiến lược dữ liệu số quốc gia và định hướng cho Quảng Nam, cũng như các giải pháp triển khai Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số; giải pháp tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, phục vụ Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thông qua các tham luận của các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp hàng đầu về chuyển đổi số hiện nay.
Theo Trưởng Ban cơ sở hạ tầng, Viện chiếc lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, Chiến lược dữ liệu quốc gia bao gồm 5 quan điểm chính: Hạ tầng dữ liệu là cốt lõi, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số; Định hướng đột phá để tạo lập thị trường dữ liệu; Tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là những người khó khăn; Bảo đảm chủ quyền; Phát triểu dữ liệu Việt do người Việt tạo ra, từ đó chính người dân là người hưởng lợi ích và dữ liệu mang lại.
Theo ông Hùng, tùy theo mỗi yếu tố sẽ tương ứng với từng mục tiêu cho chiến lược dữ liệu quốc gia khác nhau. Về dữ liệu công sẽ khai thác chia sẻ, phát triển xã hội. Dữ liệu tư sẽ tạo thị trường, phát triển kinh tế. Và bảo vệ an toàn dữ liệu và khai thác tài nguyên dòng chảy dữ liệu qua biên giới.
Từ những thông tin về chiến lược dữ liệu quốc gia, ông Hùng đưa ra một số thông tin trao đổi, định hướng phát triển dữ liệu số Quảng Nam. Đối với dữ liệu cho chính quyền số, cần tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng. “Trực tuyến dịch vụ công toàn trình để thu thập dữ liệu và hoàn thiện nền tảng tương tác. Tạo lập Kho dữ liệu số cán bộ công chức viên chức. Kết nối, truy xuất nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hình thành dữ liệu công dân số và triển khai các giải pháp theo dõi, đánh giá, chấm điểm công dân”, ông Hùng đề xuất.
Đối với dữ liệu phát triển kinh tế số, ông Hùng cũng đưa ra các kiến nghị, ứng dụng công nghệ số để phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của tỉnh như: Du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đẩy mạnh và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm, đặc sản chủ lực của địa phương lên các sàn thương mại. Gắn thanh toán không dùng tiền mặt vào mọi mặt của cuộc sống và phát huy lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Đề nghị ngân hàng tham gia sâu vào lĩnh vực này.
Về dữ liệu phát triển xã hội số, cần tạo tạo dựng công cụ kết nối người dân và chính quyền (Nền tảng công dân số) để người dân thực sự gắn kết với chính quyền, trao đổi các thông tin hữu ích. Triển khai các hệ sinh thái y tế thông minh, giáo dục thông minh...
Bên cạnh đó, các đại biểu còn được nghe tham luận của các sở, ban, ngành và địa phương về lộ trình phát triển dữ liệu số thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Vai trò của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và định hướng khai thác dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh; Kết quả xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh và định hướng chia sẻ dữ liệu nền địa lý của tỉnh trong thời gian tới; Giải pháp phát triển dữ liệu ngành Y tế trong thời gian tới; Tình hình triển khai đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Tam Kỳ; Mô hình nền tảng phân tích xử lý dữ liệu cấp tỉnh; Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số ở cơ sở...
Cũng tại Hội thảo lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Sở TT-TT tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của chuyên gia, các sở, ngành, địa phương để tham mưu các giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số trong thời gian đến, nhất là tháo gỡ nút thắt về tạo lập và khai thác dữ liệu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh năm 2024 đạt kết quả, yêu cầu đề ra.
Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Sở TT-TT tập trung hoàn thành các nhiệm vụ Chuyển đổi số theo kế hoạch năm 2023, chú trọng, ưu tiên nội dung về số hóa, tạo lập, khai thác dữ liệu số. Tổ chức triển khai vận hành có hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện chia sẻ dữ liệu, đảm bảo dữ liệu phải đúng đủ sạch sống, phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách.
Thông qua Hội thảo lần này đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho toàn xã hội về Chuyển đổi số, đặc biệt là vai trò của dữ liệu số trong chuyển đổi số và ý nghĩa của Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần làm rõ hơn các nội dung, yêu cầu, định hướng về phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ đó, có cơ sở lập kế hoạch triển khai đảm bảo tính khả thi và thống nhất, đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác Chuyển đổi số.