Diễn đàn cấp cao phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023
Chiều ngày 24/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các nội dung triển khai của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023 và Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ Tư - TechFest Quang Nam 2023 nhằm thực hiện các mục tiêu Đề án khởi nghiệp của Chính phủ.
Tham dự diễn đàn có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương, khách quốc tế, các doanh nhân, các trường đại học – cao đẳng, các tổ chức thúc đẩy - hỗ trợ khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh/thành, quỹ khởi nghiệp, cơ quan báo chí – truyền thông và sự tham dự của các startup, thanh niên.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong những năm qua, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cho công tác khởi nghiệp. Hàng vạn thanh niên đã tham gia vào hàng nghìn dự án khởi nghiệp sáng tạo cũng như hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành từ chiếc nôi này. Đến nay, Việt Nam đang xếp ở vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Ông Phạm Tấn Công ghi nhận Quảng Nam là tỉnh có nhiều sáng tạo trong công tác hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, nỗ lực xây dựng các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, mở rộng liên kết hợp tác ngoài tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh đã có cơ hội được tham gia ở chuỗi các hoạt động hàng năm của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia như hỗ trợ huấn luyện theo mô hình 1 -1 - 1 (1 huấn luyện viên – 1 cố vấn – 01 nhóm dự án) với thời gian 2 – 4 tháng cho 04 doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam đã đạt giải Nhì, và lọt Top 10 của Chương trình Phát triển Dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021 và 2022. Sự hỗ trợ của chương trình huấn luyện đã giúp doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam gọi được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Qua 5 năm triển khai hỗ trợ khởi nghiệp, hầu hết chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, có chỉ tiêu vượt rất cao, tính đến đầu năm 2022, các chỉ tiêu đến năm 2025 cơ bản đã hoàn thành, một số kết quả nổi bật như công tác tuyên truyền, kết hỗ trợ được đẩy mạnh trên các cơ quan thông tấn báo chí, trang mạng xã hội, góp phần lan tỏa khát vọng khởi nghiệp; công tác đào tạo cố vấn khởi nghiệp, giảng viên khởi nghiệp được chú trọng. Có 14/18 địa phương cấp huyện và 02 trường cao đẳng, đại học đã tổ chức thành lập hội/câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo; hình thành 02 không gian sinh hoạt chung tại thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ; toàn thể các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và vận hành Kế hoạch về phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp. Công tác huy động xã hội hóa hỗ trợ khởi nghiệp và mô hình Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia; đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Hiện nay, Quảng Nam có hơn 150 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm của dự án khởi nghiệp sáng tạo đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“Diễn đàn cấp cao xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp lần thứ 2 - Quảng Nam 2023 lần này là cơ hội để tỉnh Quảng Nam học hỏi kinh nghiệm vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp từ các tỉnh/thành trong toàn quốc; đặc biệt là tiếp thu tối đa các ý kiến của các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, từ đó giúp Quảng Nam có những quyết sách đúng cho phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững”- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận một số vấn đề trọng tâm về phát huy tính liên kết của các địa phương với vùng và quốc gia; chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức quốc tế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp và cách thức gọi vốn từ các shark, quỹ đầu tư; gợi mở cách thức thu hút các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp…
Theo bà Nguyễn Nhã Quyên- Giám đốc Vận hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, mỗi địa phương cần hiểu, xác định được mục tiêu trung tâm của hệ sinh thái và triển khai linh hoạt theo hiện trạng của từng địa phương. Đồng thời, xác định doanh nghiệp khởi nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương.
Là một trong những tỉnh có nhiều thành công từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Đề án Cố đô khởi nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững. Tiến sĩ Hồ Thắng- Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế chia sẻ một số kinh nghiệm: Cần có sự lãnh đạo nhất quán trong định hướng và hành động, huy động sự vào cuộc của các thành tố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cơ quan nhà nước, trường học, tổ chức CT-XH, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức ươm tạo. Nhà nước cần kiến tạo môi trường thức đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với những chính sách hỗ trợ thiết thực…
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Để xây dựng hệ sinh sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, ông Hiển đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trong tâm như, xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng; hoàn thiện thể chế về khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, cần thí điểm đầu tư mạo hiểm; khuyến khích cơ chế đặt hàng của nhà nước cho các doanh nghiệp; tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm thành công về triển khai trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm giữa các địa phương; đầu tư nguồn lực sáng tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…