Tam Kỳ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Sáng nay 4/1, TP. Tam Kỳ tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với di tích mộ Thị lang Doãn Văn Xuân (phường An Phú), mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ (phường Trường Xuân) và Đình làng Đoan Trai (phường Tân Thạnh).
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Hồng Lai- Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho biết; việc công nhận di tích lịch sử và khôi phục lại di tích, không chỉ thể hiện sự tri ân và báo ân đối với các thế hệ đi trước, mà còn là “địa chỉ đỏ” có giá trị lịch sử trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Trong thời gian qua, các cấp các ngành của thành phố và các địa phương đã tập trung sưu tầm, tổ chức hội thảo khoa học, đồng thời được sự giúp đỡ của Sở VH-TT&DL, sự phối hợp đầy trách nhiệm của các tộc họ, các nhà nghiên cứu nên hồ sơ đề nghị công nhận các di tích được thực hiện kịp thời và khoa học. Ngày 24/11/2023 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2540/QĐ-UBND công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với mộ Thị Lang Doãn Văn Xuân, phường An Phú, mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ, phường Trường Xuân và đình làng Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ.
Theo ông Nguyễn Hồng Lai cho biết, danh tướng Lê Văn Thủ, quê làng Trường Xuân, tổng Chiên Đàn trung, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, là hậu duệ đời thứ 10 của Bình Chiêm Triệu Quốc công Lê Tấn Trung; là thân phụ của danh tướng Lê Văn Long. Vợ ông là bà Trịnh Thị Hoa Dung, con gái của chúa Trịnh Doanh. Năm 1742, ông được vua Cảng Hưng sắc tặng “Liệt tướng, chỉ huy sứ, Thủ khoa” chức vụ vệ uý. Ông mất năm 1827. Hiện nay phần mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ nằm trong khu lăng mộ 2 vị tiền hiền Lê Tấn Trung, Lê Văn Long.
Còn Thị Lang Doãn Văn Xuân, sau khi đỗ Cử nhân, ông được bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ (năm 1820); sau làm giáo đạo chuyên việc dạy học cho các hoàng tử con vua Minh Mạng. Ở cương vị giúp các hoàng tử đọc sách kiêm việc giúp đỡ cho các hoàng tử trong việc ứng xử (mà sử ghi là “Hộ vệ”), ông được sử nhà Nguyễn ghi là người “có học hạnh thuần cẩn” và được xem là người Quảng Nam đầu tiên giữ cương vị này. Một thời gian sau, Doãn Văn Xuân được bổ Hàn lâm viện Tu soạn, sung chức Thị độc, rồi Lang trung bộ Lễ. Năm 1831, ông được đổi ra bắc giữ chức Tham hiệp tỉnh Cao Bằng, rồi Lạng Sơn; sau thăng Án sát sứ (Án sát sứ là chức quan đứng đầu Ty án sát tại các tỉnh, phụ trách việc hình án, giám sát; có hàm Chánh tứ phẩm) các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Yên;…
Sau khi qua đời, thi hài cụ Doãn Văn Xuân được an táng tại ấp Phú Phong, xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ; khoảng những năm 1940, được di dời về rừng Lăng - Quảng Phú, hiện ở tại Khối phố Phú Sơn, phường An Phú.
Đình làng Đoan Trai, được xây dựng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai canh, khai cư, quy dân, lập làng và cũng là nơi để duy trì các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư làng Đoan Trai. Công trình văn hóa tâm linh này đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết, cổ vũ nhân dân khối phố Đoan Trai và phường Tân Thạnh nói riêng, TP. Tam Kỳ nói chung phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với mộ Thị Lang Doãn Văn Xuân, mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ và đình làng Đoan Trai./.