UBND tỉnh họp đánh giá dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai
Sáng ngày 19/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai ở một số địa phương và Dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp tại 09 huyện miền núi
Theo báo cáo tại buổi làm việc, đến nay, UBND 9 huyện miền núi đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán với tổng kinh phí trên 104,5 tỷ đồng. Trên địa bàn 9 huyện đã triển khai đo đạc và kê khai đăng ký cho 25/85 xã, với khối lượng đo đạc hơn 20.000 ha, chiếm hơn 20%; kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 7.400 hồ sơ, chiếm gần 15% theo thiết kế kỹ thuật dự toán được phê duyệt. Tổng kinh phí đã bố trí thực hiện trên 31 tỷ đồng, đạt khoảng 30% dự toán được duyệt.
Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2011 đến hết năm 2020 tại 48 xã, thị trấn thuộc các huyện, thành phố: Tam Kỳ (13/13 xã, phường), Núi Thành (17/17 xã, thị trấn), Thăng Bình (11/22 xã), Duy Xuyên (6/14 xã, thị trấn), Quế Sơn (thị trấn Hương An). Đến nay, dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.
Giai đoạn 2 của Dự án (từ 2022 đến 2025), thực hiện tất cả các hạng mục từ khâu khảo sát thiết kế, lập dự toán công trình đến khâu giao nộp sản phẩm tại 13 huyện, thị xã, thành phố còn lại của tỉnh, cùng với các xã chưa triển khai giai đoạn 1 của 3 địa phương Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên. Đến nay, các địa phương này đã triển khai lập thiết kế kỹ thuật dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai để trình Sở TNMT thẩm định. Còn lại 4 huyện gồm: Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My đang tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn, để chọn nhà thầu, đấu thầu, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Theo nhìn nhận của ngành chuyên môn và các địa phương, việc triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là thiếu đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật – dự toán có năng lực tham gia.
Công chức ở Phòng TN và MT còn hạn chế chuyên môn về lĩnh vực hoạt động đo đạc và bản đồ, kiêm nghiệm nhiều công việc cùng lúc. Do đó, việc phối hợp với đơn vị tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật - dự toán đạt chất lượng chưa cao, hồ sơ chỉnh sửa quá nhiều lần, Sở TN và MT đã có nhiều văn bản góp ý, phúc đáp để địa phương hoàn thiện, dẫn đến tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán ở các địa phương còn chậm, mất khá nhiều thời gian.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, dù gặp khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương cần quyết tâm cao trong việc thực hiện dự án ở giai đoạn còn lại. Đồng thời lưu ý, phải có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan để hoàn thiện được mục tiêu đề ra của dự án.
Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra, Sở TN-MT và các ngành liên quan phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ tích cực cho địa phương, kịp thời tổng hợp vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.
UBND tỉnh sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ TN và MT triển khai thực hiện Đề án “Hoàn thiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới” theo Quyết định 101/QĐ-TTg ngày 26/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 375/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2020 của Bộ TN và MT.