Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Sáng ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ VH-TT&DL; các điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Tại đầu cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Công nghiệp văn hóa là các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 ước đạt 4,32%, năm 2021 ước đạt 3,92% và năm 2022 ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm.
Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từng bước được nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Xu hướng phát triển của các sản phẩm và dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo và đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích, thảo luận những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua, nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động, thu hút nguồn lực hợp tác công tư, nguồn nhân lực…