UBND tỉnh họp báo thông báo tình hình KT-XH năm 2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024
Sáng ngày 25/12, UBND tỉnh tổ chức họp báo thông báo tình hình KT-XH năm 2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, Hồ Quang Bửu, Trần Anh Tuấn chủ trì buổi họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận những đóng góp của đội ngũ phóng viên, nhà báo địa phương, trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Sự đồng hành của các phóng viên, nhà báo đã phản ánh sự phát triển đa chiều của tỉnh, những mặt tích cực, những mặt chưa được, qua đó, lãnh đạo tỉnh nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc. Thông qua buổi họp báo này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mong muốn nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ, đóng góp của phóng viên, nhà báo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển của Quảng Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại buổi họp báo.
Năm 2023 được đánh giá là năm mà tỉnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%; nguyên nhân là do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) 112,5 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8%; dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 74 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỷ đồng, đạt 53% dự toán.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm. Thực hiện các chương trình MTQG và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị… còn kéo dài. Công tác quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải còn chậm. Việc mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, đấu thầu thuốc còn lúng túng.
Bên cạnh đó, xảy ra một số hạn chế, khuyết điểm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản,.. mà các Đoàn Kiểm tra, Thanh tra đã chỉ ra.
Tuy nhiên, nền kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam 2023 vẫn có những điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng. Nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng hơn 3,5%. Phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả nhất định. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp, chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. - Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng, hiện có 547 trường học đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 75,9%. - Cải cách thủ tục hành chính được được tập trung chỉ đạo. Rà soát, bổ sung đầy đủ 100% quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, thiết lập quy trình điện tử lên Hệ thống thông tin một cửa. Đã ủy quyền 201/260 TTHC có phát sinh hồ sơ, đạt tỷ lệ 77,3%.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo được tăng cường.
Tại buổi họp báo, đại diện các Sở, ngành đã giải đáp các câu hỏi của phóng viên, nhà báo về một số nội dung liên quan đến chuyển đổi số, cải cách hành chính, đầu tư công, giao thông, môi trường, hướng giải quyết đối với việc nợ lượng cán bộ, người lao động, giáo viên Trường Cao đẳng Y Quảng Nam; những khó khăn, vướng mắc của đội bóng Quảng Nam…