Phòng, chống thiên tai

Tây Giang đổi thay từ chương trình sắp xếp dân cư

HT 31/10/2023 16:38

Trải qua 18 năm thực hiện Đề án sắp xếp và ổn định dân cư để phòng tránh thiên tai, đến nay bộ mặt nông thôn miền núi ở huyện Tây Giang đã thực sự khởi sắc. Làng bản được chỉnh trang ngăn nắm, gọn gàng, văn minh; cuộc sống đồng bào Cơ Tu đã có bước cải thiện đáng kể… tất cả đã minh chứng cho quyết sách sắp xếp dân cư hợp với ý Đảng – lòng dân.

 

Toàn cảnh thôn Pơr’ning, xã Lăng huyện Tây Giang

Thôn Pơr’ning, xã Lăng huyện Tây Giang là khu dân cư tập trung đầu tiên, cũng là khu dân cư đông đúc nhất của huyện. Đây là nơi quần tụ của 170 hộ đồng bào Cơ Tu với khoảng 600 nhân khẩu. 

Trên một khu đất bằng phẳng, ở giữa được xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng chung của khu dân cư và của riêng các dòng họ (Gươl lớn và gươl nhỏ), bao quanh là các hộ gia đình, trẻ con được vui chơi trên những khu đất rộng lớn. Ngày lễ, tết hay thường niên hàng tháng, bà con lại tập trung về Gươl để cùng nhau sinh hoạt. 

Ông Bling Lâm, năm nay 75 tuổi không thể nào quên hình ảnh thôn Bơr’ning những ngày đầu thành lập gần 20 năm về trước.   

“Hồi xưa, khu đất này không bằng phẳng như thế này, nó là một quả đồi cao hơn 50m với vài ba nóc nhà. Nhà nước cho san ủi để tạo thành một khu đất rộng cho bà con xây dựng nhà cửa. Thôn Bơr’ning trước kia gồm 3 thôn rải rác, giờ thì tập trung ở một nơi. Hiện nay, toàn xã Lăng có 7 khu dân cư tập trung. Ở như thế này, bọn trẻ đi học rất tiện. Bà con đi làm trong rẫy có thể xa hơn trước nhưng chúng tôi cũng khắc phục được”.

Phụ nữ thôn Pơr’ning với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Anh Cơlâu Chưa, thôn Pơr’ning cho biết, khi san ủi mặt bằng để thành lập khu dân cư tập trung, bà con rất đồng tình, ủng hộ. Họ sẵn sàng hy sinh hoa màu, đất đai của mình. Nhà nước đầu tư điện, đường cho bà con. Bà con tự túc và giúp nhau xây dựng nhà cửa. 

Rõ ràng, trong quá trình triển khai sắp xếp, ổn định dân dân cư ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, sự tham gia của người dân được xem là nhân tố quan trọng, quyết định. Vai trò của người dân ở đây được thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. 

Sắp xếp, ổn định dân cư phải trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Người dân là chủ thể thực hiện, nhà nước hỗ trợ theo định mức. 

Người dân thực hiện hầu hết các hạng mục như san nền, chỉnh trang nhà cửa, làm hàng rào, cổng ngõ. Các cộng đồng dân tộc thiểu số, với tinh thần đoàn kết đã giúp đỡ nhau trong việc triển khai thực hiện, đổi công, lập tổ (nhóm) để cùng làm nhà, làm nền…, nhường đất hoặc đổi đất cho các hộ dân tại khu dân cư không đảm bảo diện tích đất để làm nhà ở và vườn nhà. Tổ chức khai hoang, phục hóa đất sản xuất tùy theo số lao động thực tế của từng hộ và quỹ đất thực tế của mỗi khu. Tham gia xây dựng đường giao thông nội bộ khu dân cư, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tham gia công lao động, vận chuyển cát, sỏi).

Đề án sắp xếp và ổn định dân cư đã giúp cho bộ mặt nông thôn miền núi huyện Tây Giang khởi sắc

Ông Bhling Mia- Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, công tác quy hoạch, sắp xếp tái định cư có thể coi là một cuộc cách mạng mới đối với chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang. Sau 18 năm thực hiện Đề án, huyện đã sắp xếp, bố trí được 123 điểm tái định cư với tổng diện tích 374ha, bố trí trên 5.530 hộ đồng bào các dân tộc tái định cư ổn định, gắn với phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững. Đồng thời, khi tổ chức, sắp xếp được dân cư tập trung thì huyện sẽ chỉnh trang lại, khai thác tối đa tiềm năng, dư địa về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi các vị trí đất ở trước đây để khai thác trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả, chuyển đổi các hình thức sản xuất cho bà con.

“Trước kia, bà con sống rải rác dọc theo con sông, con suối, những vùng trũng, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thì hiện nay, bà con đã được đưa về các vùng tái định cư một cách căn cơ. Thực tế, qua các trận mưa bão như các năm trước đây, tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, Tây Giang dù có thiệt hại về hạ tầng nhưng không thiệt hại, thương vong về người. Tôi cho rằng, đây là một kết quả rất khả quan”- Bí thư Huyện ủy Tây Giang khẳng định.

Có được kết quả này, trước hết, Đảng bộ, chính quyền huyện đã phát huy tối đa nội lực, huy động được sức dân, tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng tộc để vận động, tuyên truyền, giúp bà con thay đổi nhận thức. Nhiều hộ đồng bào đã hiến đất, giao đất để Nhà nước giải phóng mặt bằng cho các khu tái định cư tập trung, đầu tư kết cấu hạ tầng như điện, trường, giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt và các công trình phụ trợ để thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. 

Công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư được được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn tích cực triển khai, nhân dân đồng tình ủng hộ, trong đó đã phát huy vai trò chủ thể người dân trong quá trình thực hiện. Kết quả từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế. Nhiều điểm quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Rõ ràng, việc sắp xếp và ổn định dân cư tập trung ở huyện Tây Giang là một điểm sáng để nhiều địa phương học tập, nghiên cứu nhân rộng. Quá trình triển khai không phải nơi nào cũng thuận lợi nhưng dù khó khăn thế nào cũng phải thực hiện để đồng bào an cư lạc nghiệp. 

Khi thời tiết ngày càng cực đoan, những trận lũ ống, lũ quét ở các địa bàn miền núi mỗi mùa mưa bão luôn là nỗi ám ảnh chết chóc thì việc triển khai chủ trương này gần 20 năm qua ở Tây Giang rõ ràng là một kinh nghiệm quý cho các địa phương trong cả nước./.

HT