Chủ động ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất
Ngày 07/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành công văn đề nghị các Sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Nội dung công văn nêu rõ, qua theo dõi hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng Vrain, trong 20 giờ qua (từ 19h ngày 06/11 đến 16h ngày 07/11) trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to cục bộ tại một số địa phương như: Đại Hiệp (117mm), Điện Hồng (91mm), Hồ Cây Thông (67mm), hồ Thạch Bàn (61mm). Theo bản tin số MLDR_15h30/DBQG ngày 07/11/2023 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia: Dự báo, từ chiều tối ngày 07/11 đến sáng 08/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 30-50mm, có nơi trên 100mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Để chủ động ứng phó với tác động của mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng trũng, thấp; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kính đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện các nội dung sau:
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết qua các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử http://pctt.quangnam.gov.vn, trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai Quảng Nam, Nhóm Zalo Trực ban PCTT các huyện, tx, tp và theo dõi lượng mưa tại website https://www.vrain.vn (Tên đăng nhập: quangnam, Pass: 123456) hoặc App Vrain trên ứng dụng điện thoại để nắm diễn biến mưa trên địa bàn; đề nghị phổ biến, tải ứng dụng phòng, chống thiên tai để cài đặt, truy cập, sử dụng trên điện thoại thông minh: Hệ điều hành Android từ Google Play (CHPlay) hoặc hệ điều hành iOS từ App Store, gõ từ khóa “PCTT Quảng Nam” để theo dõi thông tin về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản theo chỉ đạo tại các Văn bản: Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 11/7/2023, Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 17/8/2023, Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 31/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh; Quyết định số 1561/QĐ-UBND ngày 26/7/2023; Công văn số 6027/UBND-KTN ngày 07/9/2023 của UBND tỉnh; Công văn số 7465/UBNDKTN ngày 01/11/2023 về việc triển khai Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến Nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Rà soát, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động phương án đảm bảo an toàn người và tài sản khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Chủ động triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước của các hồ chứa, duy trì thông tin báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình được cấp thẩm quyền phê
duyệt.
Tổ chức trực ban và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh