Nam Trà My: Sắp xếp dân cư phòng, chống thiên tai, tạo đà giảm nghèo
Là địa bàn miền núi có mật độ dân cư sinh sống thưa thớt gây ảnh hưởng lớn đến công tác xóa đói giảm nghèo nên huyện Nam Trà My đã rất quyết tâm quy hoạch sắp xếp 242 khu dân cư xuống còn 115 khu để tạo bước đột phá về dân sinh. Từ năm 2017 đến nay toàn huyện đã sắp xếp được 62 khu với 2.857 hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông với tổng ngân sách hỗ trợ lên đến 166 tỷ đồng.
Chủ trương đúng đắn
Trước đây do bà con đồng bào thiểu số tại huyện miền núi cao Nam Trà My sống theo tập tục du canh, du cư nên việc ổn định cuộc sống hết sức khốn khó. Từ những nguyên nhân chủ quan như thiếu điều kiện sinh hoạt, nguy cơ sạt lở đất đá, dịch bệnh... đã khiến cho nhiều khu làng phải di dời tìm nơi ở mới. Cạnh đó do dân số phát triển nên tình trạng tách làng cũ lập làng mới cũng thường xuyên diễn ra khiến cho việc đầu tư hạ tầng phục vụ dân sinh gặp nhiều trở ngại. Năm 2017 toàn huyện Nam Trà My có 43 thôn (hiện nay đã sắp xếp còn 35 thôn) nhưng lại có tới 242 khu dân cư nằm rải rác trên các triền núi xa xôi, cách trở. Chính điều này đã khiến cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp khó khăn, việc học hành của con cái cũng bị trở ngại và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nghèo đói cao.
Trước thực trạng này, huyện Nam Trà My đã quyết định xây dựng Đề án sắp xếp, bố trí lại dân cư theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong năm 2017, huyện Nam Trà My tiến hành triển khai thực hiện đề án bố trí, sắp xếp lại dân cư tại 15 khu với 475 hộ dân tại 10 xã. Tổng kinh phí thực hiện cho đợt này là hơn 71 tỉ đồng. Trong đó nhà nước đầu tư khoảng 49,2 tỉ đồng để đầu tư các hạng mục hạ tầng dân sinh như đường giao thông, nước sinh hoạt tập trung, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa, công trình thủy lợi, hỗ trợ san nền, làm nhà, làm công trình vệ sinh, kéo điện và làm chuồng trại chăn nuôi... còn lại khoảng kinh phí 21,8 tỉ đồng được huy động từ nhân dân bằng hình thức đóng góp công tham gia thực hiện.
Mỗi hộ dân khi ra khu ở mới sẽ được bố trí diện tích đất khoảng 200 mét vuông, trong đó đất ở chiếm khoảng 60 m2 còn lại đất vườn.
Việc quy hoạch dân cư ở Nam Trà My không phải là đưa các hộ dân vào quần cư trên một khu đất chật chội mà thay vào đó là sẽ giãn dân những ngôi làng đông đúc hoặc kéo gần các hộ dân ở những nơi rải rác. Mục đích là nhằm tạo nên một khu dân cư mới có đủ không gian sinh sống, chăn nuôi, sản xuất cho từng hộ gia đình và tiện cho việc triển khai đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm.
Nhân dân đồng tình
Việc triển khai đề án sắp xếp, bố trí lại dân cư ở Nam Trà My khi mới triển khai vẫn gặp không ít trở ngại. Ban đầu do chưa nắm hết mục đích ý nghĩa của việc sắp xếp dân cư nên nhiều làng vẫn còn e dè, chưa mặn mòi hưởng ứng. Thêm vào đó là phong tục, tập quán còn nhiều quy củ nên bà con chưa hưởng ứng.
Huyện Nam Trà My đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để giải thích, tuyên truyền cho từng hộ nắm rõ chủ trương nên đến nay đã có những khởi sắc tích cực. Bà con đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào đề án và một số hộ gia đình cũng nhiệt tình hiến đất đai để hình thành những khu dân cư đông đúc.
Không chỉ thế trong quá trình triển khai san nền đất, rào vườn, làm chuồng trại bà con cũng luôn đoàn kết giúp ngau ngày công lao động để đảm bảo tiến độ hoàn thành sớm. Qua đánh gia tại xã Trà Nam cho thấy việc triển khai thực hiện đề án sắp xếp dân cư được hầu hết bà con đồng tình tuyệt đối. Đây là xã dẫn đầu về tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp dân cư trong năm 2017. Riêng đối với làng Long Túc thì đến giờ này một khu dân cư tọa lạc trên diện tích hơn 10ha đã hình thành bên cạnh ngôi trường kiên cố được Tp. Đà Nẵng xây tặng. Còn tại làng Măng Dí thì bà con Xê Đăng cũng tích cực triển khai thực hiện việc san nền, dời nhà, rào vườn để định cư lâu dài. Ông Hồ Văn Nam ở làng Măng Dí thôn 1 xã Trà Nam cho biết: “Trước đây bà con lập làng cheo neo tên vách núi nên cuộc sống khó khăn đủ bề. Trẻ em đi học cực khổ. Người dân ốm đau phải cõng bộ bằng rừng ra trạm xá. Nay được nhà nước quan tâm sắp lại lại làng nóc bà con thấy rất thuận tiện. Cả làng ai cũng rất mừng và hưởng ứng hết mình. Chúng tôi mong muốn tới đây nhà nước sớm kéo điện, xây dựng trường học kiên cố để nhân dân có cuộc sống tốt hơn”.
Theo ông Trinh Minh Hải – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 và Nghị quyết 31/2018/NQ-HĐND ngày 28/9/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 – 2025; UBND huyện đã tiến hành triển khai, quán triệt các nội dung theo định hướng chung của Tỉnh.
Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã sắp xếp được 62 khu dân cư cho 2.857 hộ. Tổng kinh phí đã phân bổ thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư là 166 tỷ đồng, trong đó kinh phí theo Nghị quyết 12 là 112 tỷ đồng, kinh phí theo Nghị quyết 23 là 54 tỷ đồng. Ngoài ra nhân dân đóng góp công lao động, hiến đất đai, hoa màu quy ra cũng hàng chục tỷ đồng.
“Qua thực hiện sắp xếp dân cư đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số” – Ông Hải cho biết.
Qua việc triển khai thực hiện bố trí, sắp xếp lại dân cư cho thấy có những đổi thay tích cực từ nhận thức cho đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân. Đây chính là bước đột phá và cũng là tiền đề quan trọng để Nam Trà My nhanh chóng thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững.