Lợi ích của việc trồng và bảo vệ cây xanh – Giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam
Việc trồng cây xanh không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng mà còn giúp cho đất nước có một không gian xanh.
1. Vai trò của cây xanh đối với biến đổi khí hậu
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng lo ngại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện tượng Trái đất nóng lên, ô nhiễm về tiếng ồn, ánh sáng, khói bụi... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển nhanh chóng về kinh tế cũng như chặt phá rừng, đất trống đồi trọc, công nghệ khiến con người phải thường xuyên đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và chịu ảnh hưởng càng lúc càng nặng nề của thiên tai. Vì vậy việc trồng và bảo vệ cây xanh là giải pháp góp phần chống ô nhiễm, môi trường không khí ở Việt Nam.Cây xanh có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như: Anhydrid, Sunfua, Fuo, Amoniac do quá trình quang hợp. Cây xanh sản xuất các Ion âm, có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc nguồn không khí. Cây còn có thể chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước. Bên cạnh đó, cây xanh như tấm lá chắn có khả năng cản bụi ở các đô thị, thị trấn, khu công nghiệp. Tại trung du và miền núi, cây xanh giữ vai trò chủ chốt trong điều hòa dòng chảy, rễ cây cũng tạo cho đất kết cấu chắc chắn hơn, giảm xói mòn, sạt lở khi mưa lớn. Nhờ hệ rễ tạo ra khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô, tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi nước, cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều nơi.
Trên thế giới, nhiều nước đã quan tâm bảo vệ và trồng cây xanh. Chẳng hạn như người Nhật rất coi trọng giá trị của cây xanh. Họ có văn hóa bảo vệ cây xanh, đặc biệt cây sống lâu năm. Họ quan niệm con người chìm đắm vào màu xanh của thiên nhiên có thể giúp chữa lành vết thương về tâm trí và thân thể. Chính vì vậy, bảo vệ cây xanh trong đó có cây cổ thụ đang mang lại sức khỏe cho con người, giúp con người có sự thoải mái. Bảo tồn cây xanh nói chung và cây cổ thụ ở các địa phương nói riêng còn là bảo tồn nguồn gen thực vật - làm phong phú sự đa dạng sinh học ở vùng miền.
2. Tình trạng quản lý cây xanh hiện nay
Mặc dù cây xanh có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với môi trường không khí và tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nhưng trên thực tế vẫn còn một số cá nhân thiếu ý thức bảo vệ, chăm sóc và có hành vi gây hại đến sự khỏe mạnh của cây, nhất là cây cổ thụ như: Đổ rác, phóng uế bừa bãi dưới các gốc cây, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do hoặc đóng đinh căng dây làm trụ treo dẫn dây cáp điện, điện thoại, làm nơi gửi xe, làm nơi đổ vật liệu xây dựng, thậm chí chặt phá, hủy diệt cây xanh. Đó là những hành vi thiếu văn minh, sống thiếu trách nhiệm với môi trường nói chung, cây xanh nói riêng. Chính vì thế, hiện nay một số cây không còn gặp ngay cả ở Hà Nội như: Cây ô môi, cây gụ mật, cây đào tiêu, cây bơ, cây phượng tím...
Bên cạnh đó, việc duy trì, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các quần thể cây xanh trên đường phố, đại lộ, trên các bờ sông, bờ biển, trên đường làng, hẻm phố, các vùng xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có một chương trình giám sát, kiểm tra tổng thể về kết quả của chương trình trồng cây xanh trong quá trình kiến thiết, xây dựng, phát triển đất nước qua các thời kỳ. Việc thiếu đầu tư chăm sóc, bảo vệ đã làm suy giảm hiệu quả vai trò cây xanh trong bảo vệ môi trường, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Chính vì vậy, việc bảo vệ, trồng, chăm sóc cây xanh là một chiến lược quan trọng, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời kỳ biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hiện nay.
3. Các giải pháp bảo vệ quản lý cây xanh
Để góp phần giải tỏa được những thách thức trên, tạo cho con người có một môi trường sống hài hòa trong phát triển bền vững, trước hết cần phải tăng cường trồng - chăm sóc - quản lý cây xanh ở khắp mọi miền đất nước. Nghiên cứu để quy hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh một cách khoa học nhằm đảm bảo gìn giữ cảnh quan và góp phần bảo vệ không khí trong lành.
Cần có một kế hoạch bài bản, khoa học để triển khai hiệu quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ đề ra. Trồng cây xanh đi liền với đầu tư chăm sóc bảo vệ - giám sát - kiểm tra thường xuyên số lượng, chất lượng các loài cây đã được trồng, cần quan tâm đúng mức trồng các loài cây có nguồn gốc, bản địa ở từng vùng sinh thái một cách phù hợp để sinh tồn và phát triển.
Việc trồng cây xanh cần phải gắn liền với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường, nghiên cứu vận dụng các lý luận khoa học về hệ thống sinh thái đô thị, sinh thái nông thôn, sinh thái kinh tế, sinh thái xã hội nhằm làm cơ sở điều chỉnh hợp lý, hài hòa trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Trồng nhiều cây xanh chính là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu. Giảm thiểu tác hại môi trường không khí bị ô nhiễm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, cần có một cách nhìn tổng hợp để kiểm kê, đánh giá khách quan, khoa học, cụ thể các mô hình trồng, chăm sóc - bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ của cộng đồng, hợp tác xã, các doanh nghiệp trong việc phát huy tiềm năng, lợi ích của cây xanh trong phát triển kinh tế; trong cuộc sống, trong bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp nhằm rút ra những bài học tốt để tuyên truyền, phát huy lan tỏa trong xã hội cũng như những bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng để góp phần hướng đến một nền kinh tế xanh của đất nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối mọi thành phần trong xã hội, cộng đồng, để bảo vệ môi trường không khí trong lành, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng khôn khéo các nguồn vốn xanh tự nhiên trong nhân tạo để góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, thích ứng với Biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững.