Sớm thành lập Tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
Vừa qua, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Liên minh châu Âu (EU) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp tham vấn “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thành lập thí điểm tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”. Nhiều nội dung đã được các bên đặt ra, hướng đến trong thời gian tới nhằm sớm thành lập Tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bản an ninh, chất lượng nguồn nước.
Vu Gia - Thu Bồn là 1 trong 10 lưu vực sông lớn nhất Việt Nam và có lượng mưa trung bình lưu vực lớn nhất. Biến đổi khí hầu toàn cầu, tác động từ đô thị hóa, việc vận hành của các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, xâm thực bờ biển, ngập lụt và sạt, lở bờ song… là những nguyên nhân gây mất an ninh, chất lượng nguồn nước tại lưu vực sông này. Hiện nay, việc quản lý nguồn nước tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi trên 60% lượng nước đến từ sông quốc tế, chỉ có khoảng 37% là nước nội sinh, trong khi đó cần phải đáp ứng nhu cầu cao từ các ngành, các cấp và địa phương, từ khai thác nước cho thủy điện, nông nghiệp, giao thông thủy, công nghiệp, đến bảo đảm cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Bộ TN&MT dự kiến xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn các quy định của Luật Tài nguyên nước trong đó hướng dẫn quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban lưu vực sông, và các Tiểu ban lưu vực sông như ở sông Vu Gia - Thu Bồn mà Bộ TN&MT đang hướng tới triển khai thí điểm. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là lựa chọn mô hình hoạt động hiện đại, phù hợp và phải đảm bảo hoạt động hiệu quả, thực chất và có thực quyền, đưa ra được một bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định, vận hành theo thời gian thực.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí thanh cho rằng, để thành lập mô hình này cần sự đồng thuận cao từ các chính quyền địa phương và các cơ quan trung ương. Trong đó, nhấn quán quan điểm “không còn sự mập mờ và khác biệt giữa các địa phương trong quản lý lưu vực sông”. Hơn nữa, phải tạo ra một cơ chế phối hợp giữa các ngành và địa phương, đảm bảo rằng quyết định được đưa ra dựa trên lợi ích chung của lưu vực sông, không bị chi phối bởi quyết định độc lập của các bộ, ngành trung ương hoặc địa phương.
Phát biểu ý kiến tại cuộc tham vấn, đại diện EU đặc biệt coi trọng sáng kiến thành lập Ủy ban Quản lý Lưu vực Sông, qua đó nâng cao khả năng phục hồi chung trước biến đổi khí hậu thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, AFD mong muốn được tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính góp phần thúc đẩy triển khai dự án thí điểm tổ chức lưu vực sông tại Việt Nam, trong đó có lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Ông khẳng định, các bên liên quan sẽ thảo luận và cùng đưa ra quyết định, từ đó mỗi bên sẽ thực sự được hưởng lợi, cũng như hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực trong việc sử dụng tài nguyên nước.
Việc thành lập Tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có vai trò rất lớn đến công tác đảm bảo an ninh, chất lượng nguồn nước, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai tại lưu vực sông ở Việt Nam. Do đó, cần ban hành một khung pháp lý chính thức, chẳng hạn như một Nghị định riêng cho phép thí điểm thành lập Tổ chức quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Kinh nghiệm và đánh giá sau đó có thể áp dụng cho các lưu vực sông khác trên toàn quốc.