Nâng cao vai trò của lực lượng "phi chính thức" trong quản lý chất thải rắn
Nhiều chuyên gia nhất quán trong mục tiêu thúc đẩy vai trò của lực lượng phi chính thức (người nhặt ve chai) trong quá trình chuyển đổi thực hiện trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) và Thỏa thuận toàn cầu về nhựa.
Cuối tuần qua, tại TP. Hội An Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, Nhóm kỹ thuật bình đẳng giới và bao trùm xã hội của Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) cùng Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) (thông qua Chương trình đối tác chiến lược IUCN-PRO Việt Nam) tổ chức cuộc tham vấn về sự đóng góp của lực lượng lao động phi chính thức (nhóm người lượm ve chai) trong giảm thiểu chất thải rắn.
Đóng góp thầm lặng
Theo thông tin tại cuộc tham vấn, khoảng 60% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu được thu gom và tái chế nhờ vào 20 triệu lao động phi chính thức. Tại Việt Nam, khu vực phi chính thức có đến 90% nữ giới trực tiếp thu gom hơn 30% các loại rác nhựa có thể tái chế.
Hình ảnh các chị, các cô thu mua đồng nát, ve chai, rong ruổi khắp tuyến đường trên chiếc xe đạp cồng kềnh đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại xã hội Việt Nam. Sự xuất hiện của nhóm lao động này đã tạo cho người dân thói quen phân loại riêng rác thải có giá trị tái chế như lon nhôm, vỏ chai nhựa để dành đem bán. Từ đó, các loại phế liệu thay vì kết thúc vòng đời ở lò đốt, bãi chôn lấp, thì được đưa về các xí nghiệp, làng nghề để tái chế, tiếp tục được phân phối, lưu thông ra thị trường.
Bà Đỗ Thị Thu Trang - Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo lục Liên ngành, Quy Nhơn, Bình Định cho biết, tổng lượng phế liệu được thu gom mỗi ngày tại thành phố Quy Nhơn là hơn 18,5 tấn, được thu nhặt bởi 700 – 800 người nhặt rác, thu mua phế liệu. Họ là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thu gom phế liệu. Góp phần giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức, xa hơn là tiềm năng giảm thiểu chi ngân sách cho việc thu gom và xử lý chất thải.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đời sống của nhóm lao động này vẫn còn nhiều khó khăn khi chưa thuộc sự quản lý của nhà nước, chưa có sự công nhận từ xã hội, làm việc trong môi trường độc hại, phương tiện lao động thô sơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn, bệnh tật…
Công nhận, nâng cao vai trò
Để hình thành nền kinh tế tuần hoàn nhựa và triển khai các kế hoạch của quốc gia trong bảo vệ môi trường, việc cải thiện sinh kế và hỗ trợ nhóm người này chuyển dịch sang hệ thống quản lý chất thải chính thức là hết sức cần thiết. Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị, khu vực phi chính thức phải được xem là một phần của bất kỳ giải pháp nào và có thể giúp các nhà sản xuất đạt mục tiêu tái chế.
Ngoài các lao động thu gom chất thải phi chính thức, khối này còn bao gồm một số lực lượng khác trong chuỗi giá trị nhựa như: vựa thu mua, cửa hàng phế liệu, người phân loại rác, thậm chí cả các hợp xã bán chính thức tại một số tỉnh thành. “Vì vậy, tiếng nói của họ cần được lắng nghe và công nhận”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Điều 54, 55 của Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 (LEP) và các văn bản hướng dẫn đã quy định chi tiết việc thực hiện EPR tại Việt Nam. Theo đó, hệ thống EPR được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho hệ thống quản lý chất thải, đặc biệt tác động đến việc thu gom, tái chế chất thải nói chung của lực lượng phi chính thức. Chính sách EPR sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống thu gom, phân loại và tái chế chất thải ở Việt Nam, mà một phần trong đó do khu vực phi chính thức đảm nhận.
Ông Jake Brunner - Trưởng đại diện quốc gia của IUCN ở Việt Nam cho rằng, nhóm lao động nhặt rác đang làm một công việc rất quan trọng là thu gom, vận chuyển và tiền xử lý các loại rác thải. Vì vậy, họ cũng đóng vai trò chính yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Thách thức ở đây là cải thiện điều kiện việc làm và gắn kết họ với hệ thống quản lý chất thải rắn chính thức.
Điều này đòi hỏi cần phải thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn, mở rộng quy mô đầu tư công vào thu gom, xử lý chất thải, và thực thi các quy định về chống xả rác, ông Jake Brunner nói thêm.