Nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động đi làm việc ở nước ngoài
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa lao động và chuyên gia Việt Nam làm việc ở nước ngoài vào sáng ngày 25/8.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, lợi ích của công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao.
Hệ thống luật pháp, chính sách về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta; chất lượng lao động ngày càng nâng cao; thị trường lao động được mở rộng và phát triển; thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng/người/năm.
Công tác quản lý và bảo hộ công dân Việt Nam di cư tự do sang làm ăn, buôn bán tại các nước láng giềng được Chính phủ và các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài từng bước được tăng cường.
Cơ chế, chính sách tín dụng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nguồn tài chính để chi trả cho các chi phí đi làm việc ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai công tác đưa lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; những giải pháp trong công tác bảo hộ công dân; giải pháp nâng cao chất lượng người lao động...
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; điều chỉnh bao quát các quan hệ lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan về báo cáo, thông tin, thẩm quyền cấp phép đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác bảo hộ công dân. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước đảm bảo đồng bộ, liên thông, cập nhật, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động; tăng cường công tác bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài…