UBND tỉnh họp rà soát điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi
Sáng ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các sở, ngành liên quan và các huyện miền núi nhằm đánh giá công tác xây dựng Đề án rà soát quy hoạch các điểm tái định cư (TĐC) phòng chống thiên tai khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025.
Qua 4 năm triển khai chương trình về tái định cư phòng, chống thiên tai khu vực miền núi theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND năm 2017 và Nghị quyết số 31/NQ-HĐND năm 2018 của HNĐN tỉnh, tại khu vực miền núi có 6.905 hộ dân tham gia thực hiện sắp xếp ổn định dân cư, trong đó có 6.742 hộ được hỗ trợ di dời chỗ ở, đạt 134,8% chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020. Ở giai đoạn 2017-2020 này, tổng khu TĐC phòng chống thiên tai được đầu tư xây dựng là 44 khu, với tổng diện tích 62,7 ha; quy mô hộ bố trí trên 2.000 hộ, tổng kinh phí đầu tư gần 274 tỷ đồng. Kết quả đạt được góp phần ổn định chỗ ở cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai; tạo thuận lợi cho đầu tư kết cầu hạ tàng thiết yếu phục vụ dân sinh, hạn chế ảnh hưởng bão lũ, nhờ đó nâng cao năng lực giảm nghèo tại khu vực miền núi tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: chất lượng sắp xếp, bố trí dân cư chưa cao; còn bị động, chưa bám sát quy hoạch; các điểm tái định cư, nhất là tại các điểm phòng chống thiên tai chưa được khảo sát khoa học, đầy đủ; kết cấu hạ tầng khu TĐC chưa đồng bộ.
Để đáp ứng nhu cầu sắp xếp, bố trí dân cư vẫn còn cao tại khu vực miền núi, Đề án tiếp tục tập trung phân tích rà soát xây dựng quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tai giai đoạn năm 2022 – 2025. Theo chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 23/NQ-HĐND năm 2021 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021-2025 có 7.821 hộ thuộc vùng nguy cơ cao bị thiên tai được phê duyệt sắp xếp, bố trí tái định cư; trong đó nhu cầu các huyện miền núi là 5.280 hộ, trong đó có 2.958 hộ diện di dời tập trung.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các huyện tập trung rà soát lại các điểm tái định cư, sát với nhu cầu thực tế của địa phương cũng như phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất của huyện, gửi Sở NN&PTNT bổ sung, hoàn thiện Đề án.