Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước

P.TH 26/08/2022 00:00

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 5610/KH-UBND, ngày 24.8.2022 về cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Nam.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc cải thiện và nâng cao Chỉ số Par Index, Chỉ số Sipas của tỉnh Quảng Nam. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các nội dung, lĩnh vực cải cách hành chính năm 2021; phấn đấu năm 2022, các lĩnh vực đánh giá, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số Par Index, Chỉ số Sipas được cải thiện so với kết quả năm 2021. 

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14.10.2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3441/QĐ-UBND ngày 24.11.2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14.10.2021 của Tỉnh ủy. Kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2021 đã được nêu ra; chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. 

Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính, tận tụy, chấp hành nghiêm pháp luật trong thực thi công vụ. Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, nhất là việc sử dụng thường xuyên phần mềm Một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. 

Rà soát, phân tích, có giải pháp phù hợp để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và khắc phục các nội dung còn bất cập, chưa đạt yêu cầu, các tiêu chí bị mất điểm qua các năm, đặc biệt là các tiêu chí bị mất điểm do yếu tố chủ quan như: công bố, công khai thủ tục hành chính; chưa ban hành quy định danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình; áp dụng ISO 9001… 

Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ trên phần mềm Một cửa điện tử, nhập đầy đủ các trường dữ liệu công dân về địa chỉ, số điện thoại; ban hành văn bản xin lỗi kèm theo kết quả giải quyết hồ sơ khi trả kết quả trễ hẹn; xử lý nghiêm trách nhiệm công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn và chậm trả kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hằng tháng trên Trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương. Tích cực thực hiện thông tin tuyên truyền nội dung kết quả điều tra Chỉ số Par Index, Chỉ số Sipas đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua kết quả đánh giá hằng năm, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện trong thời gian đến. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với một số lĩnh vực phức tạp như thủ tục đất đai, thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã. Thực hiện đánh giá định kỳ hằng năm đối với các nhiệm vụ quản lý nhà nước đã phân cấp cho cấp huyện, cấp xã theo quy định; xử lý 100% các vấn đề phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

File đính kèm: Kế hoạch. 

P.TH