Hội nghị toàn quốc sơ kết 06 tháng thực hiện Đề án 06
Sáng ngày 9/8, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Hội nghị kết nối trực tuyến đến hơn 11.000 điểm cầu từ Trung ương đến cấp xã. Tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Nam, có sự tham dự của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là đề án cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số của nước ta. Đề án này tác động trực tiếp đến người dân, vì vậy phải tối ưu hóa các phương thức, cách thức thực hiện để cho người dân được thuận lợi nhất trong môi trường số. Từ đó, thay đổi thói quen thực hiện các dịch vụ công trên giấy tờ sang trạng thái tương tác trực tuyến, giải quyết các hồ sơ, thủ tục ở bất cứ đâu, bất kì thời gian nào.
Theo kết quả được báo cáo tại hội nghị, 23 Bộ, ngành, 63 tỉnh thành, 705 địa phương cấp huyện và 10.599 địa phương cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác Đề án 06. Ở công tác hoàn thiện thể chế, trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản liên quan, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các văn bản quan trọng để phục vụ Đề án 06. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản như: Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương.
Về dịch vụ công thiết yếu, bước đầu đã có những kết quả tích cực khi đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Đặc biệt, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công ở mức độ 3,4, đồng thời mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt 93,1%).
Về công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu, tính đến ngày 31/7/2022, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với: 11 Bộ, ngành, 04 doanh nghiệp nhà nước; 14 địa phương.
Ở công tác ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an đã đưa hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, đưa Việt Nam thành một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Cùng với đó, đã có 6.996 cơ sở y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân bằng cách sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ BHXH.
Song song với đó, trong 06 tháng đầu năm, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Đề án 06 đã tăng cường công tác kiểm tra an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, CSDL. Theo đó, Bộ Công an cùng với Bộ TTTT đã tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin của 20 bộ, ngành và 61 tỉnh thành. Đến nay, có 11 bộ, ngành và 28 địa phương có hệ thống đáp ứng được các yêu cầu về an ninh an toàn khi nết nối với CSDL quốc gia về dân cư.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia phát biểu tham luận, làm rõ thêm một số nội dung về công tác triển khai Đề án 06 ở cơ quan, địa phương mình. Đồng thời nêu lên các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hiện đề án, trong đó nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin là hai rào cản tương đối lớn.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 06, hội nghị đã đề ra một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật phục vụ triển khai đề án; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện 21/25 dịch vụ công đã hoàn thành, đồng thời chú trọng hoàn thiện việc thực hiện 04 dịch vụ công còn lại trên môi trường điện tử; tiếp tục triển khai nhóm tiện ích phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ phát triển công dân số,…