Thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025
Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025 vừa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2218/QĐ-UBND.
Nội dung kế hoạch nêu rõ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trên địa bàn, trong đó chú trọng: Xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương; tùy điều kiện, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xét tặng Phong trào thi đua ở cấp huyện. - Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh trong triển khai, thực hiện Phong trào thi đua. Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện và nước ngoài tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới. Cấp huyện, cấp xã, cấp thôn phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyên truyền, vận động, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức giám sát thực hiện xây dựng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của Phong trào thi đua. Tham gia thực hiện tốt các phong trào: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Sạch từ nhà ra ngõ”; “Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh”; “Sạch đường, tốt ruộng”; “Giỏ rác đồng ruộng”, “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; “4 có” đối với xã (có sản phẩm đặc trưng - có khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu - có tuyến đường hoa - có cổng chào ” và “3 có” đối với khu dân cư (có vườn xanh - có nhà sạch - có ngõ đẹp); phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường; “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại”; “Đường tự quản bảo vệ môi trường”; “Việc làng - đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất - mất một được hai”; phong trào “Dân vận khéo”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tình nguyện”; “Tiếng kẻng an ninh”, “Tuyến đường tự quản”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, “Tuổi cao gương sáng”, “Điểm sáng biên giới”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới”, “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 04 nhà”, Thanh niên, Quân đội, Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới … góp phần thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, doanh nghiệp trong cụm, khối thi đua căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của ngành nông nghiệp; vận động các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua; ưu tiên huy động nguồn lực hỗ trợ đỡ đầu các xã trong xây dựng nông thôn mới.
Các xã căn cứ vào thực tiễn của địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tổ chức các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vất chất, tinh thần cho người dân. Tuyên truyền vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng với vai trò là chủ thể trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn, động viên, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung, công trình phần việc; huy động mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ.
Việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của tỉnh và hoạt động của cụm, khối thi đua giai đoạn 2021 - 2025; đánh giá kết quả Phong trào thi đua phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và bình xét thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phong trào thi đua tiếp tục được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cấp cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thực chất tránh chạy theo thành tích và phù hợp với thực tiễn; gắn Phong trào thi đua với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, các tầng lớp Nhân dân và huy động, tập trung được nguồn lực của nhà nước, của tỉnh cũng như toàn xã hội. Việc công nhận, biểu dương, khen thưởng các thôn, xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải thực chất, công khai, minh bạch, khách quan, tránh chạy theo thành tích để tạo động lực thúc đẩy Phong trào thi đua phát triển. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua.
File đính kèm: Kế hoạch.